Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả nước có 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5 - 7%/năm.

Công nghiệp chế biến tại Việt Nam đang phát triển tương đối nhanh.
Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.
Ngành hàng có nhiều cơ sở chế biến nhất là gỗ, khi cả nước hiện có khoảng 4.500 cơ sở chế biến gỗ, tập trung 80% ở các tỉnh Miền Nam, mỗi năm tiêu thụ trên 40 triệu m3 gỗ. Tiếp đến là thủy sản, có 636 cơ sở chế biến công nghiệp gắn với xuất khẩu và trên 3.000 cơ sở chế biến nhỏ với sản lượng chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm.
Một số ngành hàng có số lượng cơ sở chế biến lớn khác là: Lúa gạo, hiện cả nước có khoảng 580 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp, với công suất trên 10.000 tấn thóc/năm chiếm khoảng 61,5%; Rau quả, có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm; Cà phê, có 239 doanh nghiệp chế biến cà phê quy mô công nghiệp, tập trung ở Tây nguyên (chiếm 36,4%) và Đông Nam Bộ (chiếm 43,1%)…
Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp...