Theo thống kê, trung bình hàng năm tại nước ta, các loại hình thiên tai cướp đi sinh mạng của 300 người và gây thiệt hại về kinh tế từ 1 - 1,5% GDP; trong đó, chủ yếu là bão, mưa, lũ, ngập lụt… Trong những năm gần đây, bão mạnh, siêu bão có nguy cơ xuất hiện ngày càng gia tăng và có sức tàn phá rất lớn.
Đáng lo ngại, mưa lũ cực đoan với cường độ lớn, ngập lụt uy hiếp gây mất an toàn các hồ chứa, hệ thống đê điều. Song hiện nay, trong tổng số 9.078km đê còn 230 trọng điểm đê điều xung yếu trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, có nguy cơ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Cùng với đó là 7.108 vụ vi phạm pháp luật đê điều chưa được xử lý.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, vấn đề trên đặt ra yêu cầu phải chủ động trong tất cả các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống các loại hình thiên tai, mà ở đó nhiệm vụ của Chủ tịch UBND cấp huyện là hết sức quan trọng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau nhìn nhận, đánh giá lại công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ, nhận định tình hình thiên tai trong thời gian tới.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cung cấp thông tin về chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật, các điều luật sửa đổi, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư.
Qua hội nghị, đã xác định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện tại các tỉnh, TP có đê từ cấp III trở lên. Những kinh nghiệm, cách làm hay cũng đã được đưa ra trao đổi, thảo luận. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đê điều…