Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả nước còn trên 1.100 hợp tác xã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tiếp tục có bước phát triển cả về lượng và chất. Ngày càng có nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể cũng còn rất lớn.

Hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều khởi sắc trong năm 2020.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 17.000 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 6.046 HTX trồng trọt, 1.025 HTX chăn nuôi, 202 HTX lâm nghiệp, 964 HTX thủy sản, 31 HTX diêm nghiệp, 41 HTX nước sạch nông thôn, 7.549 HTX tổng hợp.
Số thành viên HTX nông nghiệp khoảng 3,8 triệu. Tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp là 15.200 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp năm 2020 đạt gần 2,5 tỷ đồng. Lãi bình quân của 1 HTX nông nghiệp là 382 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX nông nghiệp là 40,45 triệu đồng/năm.
Kết quả rà soát mới đây cho thấy, tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt khoảng 84%. Trong 3 năm qua, các tỉnh, TP đã tập trung giải thể hoặc chuyển đổi loại hình hoạt động của 963 HTX. Dù vậy đến nay, cả nước vẫn còn 1.142 HTX nông nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể, hoặc chuyển đổi sang loại hình sản xuất, kinh doanh khác.
Hoạt động của các HTX nông nghiệp đang ngày càng có nhiều đổi mới. Hiện, cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (chiếm 9,8% tổng số HTX nông nghiệp cả nước). Ngoài ra, có 3.913 HTX thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp; 823 HTX sở hữu các sản phẩm được cấp từ 3 sao OCOP trở lên…
Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2021, đơn vị sẽ phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng các đề án, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với từng vùng miền giai đoạn 2021 - 2025 gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục thành lập mới và phát triển các HTX, liên hiệp HTX gắn với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có quy mô lớn, có sức lan tỏa trên cơ sở hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản tại các vùng, miền…
Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ quản trị cho cán bộ HTX; hỗ trợ khởi nghiệp ở các HTX nông nghiệp. Mở rộng thí điểm thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở các HTX nông nghiệp; đồng thời, tiếp tục thí điểm đưa cán bộ HTX đi nước ngoài học tập kinh nghiệm...