Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả nước đón Tết Mậu Tuất 2018 trong tiết trời ấm áp

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, từ ngày 28 tháng Chạp (13/2), đợt không khí lạnh sẽ suy yếu dần, nhiệt độ có xu hướng tăng, trời ấm dần tại các vùng trên cả nước.

Theo dự báo cả nước sẽ đón Tết Nguyên đán 2018 trong tiết trời ấm áp. Ảnh minh họa.
Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư nhận định, trong hôm nay và ngày mai (11 - 12/2), khu vực Bắc Bộ có mưa nhỏ tập trung vào đêm và sáng, nhiệt độ giảm, trời rét đậm. Từ ngày 13/2 (28 tháng Chạp), không khí lạnh suy yếu, nhiệt độ có xu hướng tăng, trời ấm dần. Đến ngày 15 - 16/2 (30 tháng Chạp, mùng 1 Tết Âm lịch) trời nhiều mây, có mưa vài nơi, tập trung ở khu vực tây bắc. Khoảng ngày 19, ngày 20 không khí lạnh có khả năng tăng cường lệch đông, trời nhiều mây, có mưa nhỏ rải rác, nhiệt độ có xu hướng giảm.

Tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, từ ngày 13 (28 tháng Chạp), không khí lạnh suy yếu chậm và di chuyển dần ra phía đông, nhiệt độ có xu hướng tăng, trời ấm dần. Khu vực Nam Trung Bộ, từ ngày 10 - 21 (25 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) có mưa vài nơi; trưa chiều trời nắng; riêng thời kỳ từ ngày 15 - 17 có mưa rào và dông vài nơi, tập trung ở vùng ven biển.

Trong khi đó khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 10 - 21 (22 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) phổ biến không mưa, ngày trời nắng; riêng thời kỳ từ ngày 15 - 17, khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, tập trung ở vùng ven biển.
Ảnh Windy
Thông tin trên báo VOV, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Trung tâm KTTV T.Ư cho biết, đang có một xoáy thuận nhiệt đới ngoài khơi Philippines, có nguy cơ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và đi vào Biển Đông ngày 28 Tết (13/2).

Theo ông Hải, áp thấp này có 40% mạnh lên thành bão số 2, còn lại khả năng lớn chỉ giữ ở cấp áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh cấp 6-7. Hiện tại, các mô hình dự báo cho rằng áp thấp sẽ di chuyển vào phía bắc quần đảo Trường Sa, sau đó hướng vào vùng biển Nam Trung Bộ nhưng không ảnh hưởng đến đất liền.

Ông Hải cho biết, trong lịch sử đã từng có bão vào dịp Tết nhưng cũng không vào đất liền mà suy yếu ngay trên biển. Song quy luật bão đang thay đổi dần.