Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà phê đang dần trở thành thức uống đắt đỏ

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tín đồ cà phê sẽ phải chi ra một số tiền lớn hơn cho đồ uống yêu thích của mình.

Một báo cáo được Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) công bố tháng trước cho thấy chỉ số giá tổng hợp ICO – giá tham chiếu quan trọng cho ngành cà phê toàn cầu – đã đạt mức cao nhất trong 13 năm qua, với giá trung bình 1 pound (0,45 kg) rơi vào khoảng 2,27 USD (tương đương hơn 57.000 đồng).

Ảnh hưởng từ khí hậu

Theo các chuyên gia, những yếu tố như biến đổi khí hậu làm giảm nguồn cung cà phê toàn cầu và có thể duy trì giá thành loại hạt này ở mức cao trong thời gian dài hơn.

“Cà phê nhạy cảm hơn với những thay đổi về nhiệt độ so với nhiều loại cây trồng khác,” Michael Hoffmann, giáo sư danh dự tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Khoa học Đời sống thuộc Đại học Cornell (Mỹ) cho biết. “Biến đổi khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn. Hãy tưởng tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, nhiệt độ cao hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đối với lao động trong các đồn điền cà phê. Còn đối với người tiêu dùng, cà phê sẽ ngày càng đắt hơn”.

Trung bình 1 pound cà phê giờ đã có giá rơi vào khoảng 2,27 USD (tương đương hơn 57.000 đồng). Ảnh minh họa: Lux Habitat
Trung bình 1 pound cà phê giờ đã có giá rơi vào khoảng 2,27 USD (tương đương hơn 57.000 đồng). Ảnh minh họa: Lux Habitat

Nhiều người trong ngành cà phê thường nói rằng “khi Brazil hắt hơi, cả thế giới sổ mũi”, nhằm khẳng định vị thế nhà sản xuất cà phê số một thế giới của quốc gia này. Arabica - giống cà phê chủ lực của Brazil , chiếm hơn 60% tổng sản lượng cà phê toàn cầu.

Vì vậy, khi một đợt sương giá bất thường tàn phá nặng nề mùa màng ở Brazil Hè năm 2021, thị trường cà phê ngay lập tức hứng chịu cú sốc nguồn cung. Giá cà phê kỳ hạn của Mỹ, vốn theo sát biến động của cà phê Arabica, đã lên mức 260 cent/pound suốt 3 năm, trong khi thông thường, mức già này chỉ rơi vào khoảng 100 đến 140 cent.

Tuy nhiên, Arabica không phải loại cà phê duy nhất bị ảnh hưởng. Theo Ryan Delany, người sáng lập và trưởng bộ phận phân tích tại tổ chức Coffee Trading Academy, giá Arabica tiếp tục tăng cao khiến người mua đổ xô vào thị trường cà phê Robusta, qua đó cũng ảnh hưởng đến giá loại cà phê này. “Nhìn chung, khi Arabica tăng giá thì Robusta cũng tăng giá,” ông Delany nhận định.

Giá cà phê Arabica bị ảnh  hưởng nặng nề từ đợt sương giá ở Brazil năm 2021. Ảnh minh họa:  Internet
Giá cà phê Arabica bị ảnh  hưởng nặng nề từ đợt sương giá ở Brazil năm 2021. Ảnh minh họa:  Internet

Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi tháng 5 cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài có thể ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của những nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới. Trong báo cáo thường niên năm 2023, cơ quan này dự đoán tình trạng thời tiết như vậy sẽ trở nên thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.

Áp lực với các nhà bán lẻ

Lavazza, nhà sản xuất cà phê từ Italia, chia sẻ với kênh CNN rằng họ phải tăng giá bán trong năm nay vì nhiều lý do. “Sự kết hợp giữa mùa màng thất bát, biến đổi khí hậu, chiến sự ở Ukraine, xung đột ở Biển Đỏ, sự can thiệp của các nhà đầu cơ và đồng USD tăng mạnh đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” đối với ngành cà phê, vốn phải chứng kiến ​​giá cả tăng vọt kể từ thời điểm đại dịch Covid-19,” công ty cho biết.

Trong khi đó, tập đoàn Nestle phải giảm tỷ suất lợi nhuận năm 2023 do chi phí cà phê Robusta tăng. Hồi tháng 6, công ty thừa nhận phải đối mặt với môi trường định giá khó khăn hơn khi người tiêu dùng không còn dám mua nhiều cà phê sau những đợt tăng giá trước đó.

Dù vậy, những “tín đồ” cà phê Starbucks vẫn chưa lâm cảnh “sót ví”, vì công ty đã mua trước một lượng lớn cà phê, và áp dụng hình thức được gọi là hợp đồng giá cố định để có thể mua cà phê ở cùng một mức giá trong thời gian dài. Starbucks cũng sử dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro để bình ổn giá, bảo vệ khách hàng khỏi những biến động của thị trường.

Starbucks áp dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro để bình ổn giá, bảo vệ khách hàng khỏi những biến động của thị trường. Ảnh minh họa: Internet
Starbucks áp dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro để bình ổn giá, bảo vệ khách hàng khỏi những biến động của thị trường. Ảnh minh họa: Internet

Sharon Zackfia, chuyên viên phân tích nhà hàng và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn sở hữu tiêu dùng của tố chức William Blair, nhận định: "Nếu giá cà phê tăng đột biến, các công ty như Starbucks có thể đứng ngoài cuộc trong một thời gian do nắm trong tay quá nhiều hợp đồng giá cố định cũng như lượng cà phê dự trữ".

Nhưng theo Neil Rosser, Giám đốc và nhà tư vấn các mặt hàng cà phê tại tổ chức Bison Luxley Commodities, nếu giá cà phê tiếp tục duy trì ở mức cao, thì việc phải “chi đậm” cho một cốc cà phê là điều không thể tránh khỏi. "Các nhà phân phối cà phê rang xay muốn giữ giá bán lẻ ở mức ổn định để không gây phiền hà tới người tiêu dùng của họ. Nhưng đôi khi điều đó là không thể nếu giá tăng quá cao," ông cho biết.

Dù vậy, nhiều chuyên gia khẳng định nhu cầu về cà phê sẽ không vì thế mà giảm đi. “Tôi cho rằng sẽ không có lựa chọn thay thế nào khác cho cà phê. Dù có là 3 USD hay 1 USD, bạn sẽ không thể vì mức giá mà thay đổi số lượng cà phê bạn uống mỗi sáng," ông Delany kết luận.