Ca sĩ Phi Nhung qua đời, 23 con nuôi sẽ được nuôi dưỡng ra sao để giảm nguy cơ tổn thương tinh thần?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo PGS.TS Trần Thành Nam, điều quan trọng nhất đối với 23 con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung là có không gian mang tính chất mái ấm gia đình để các em tiếp tục được duy trì tình thương.

Ca sĩ Phi Nhung (tên đầy đủ là Phạm Phi Nhung, sinh năm 1970, tại Pleiku) đã qua đời trưa ngày 28/9 vì mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã khiến cho gia đình, người thân, bạn bè, khán giả hâm mộ bàng hoàng và hết sức xót xa. Dư luận xã hội cũng thương cảm cho con gái của cố ca sĩ hiện đang ở Mỹ không thể về bên mẹ và 23 người con nuôi tại Việt Nam mất đi mẹ đỡ đầu.
Dư luận xã hội cũng hết sức băn khoăn về số phận 23 con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung sẽ được ai nuôi dưỡng, chăm lo trong thời gian tới. Hiện tại, ca sĩ Trizzie Phương Trinh, tỷ phú Hoàng Kiều đã thông báo sẽ thay sẽ tiếp tục nuôi nấng con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung nên người. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, các con nuôi của cố ca sĩ nên được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội của TP Hồ Chí Minh để được chăm sóc nuôi dưỡng.
 PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, điều quan trọng nhất đối với 23 con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung là có không gian mang tính chất mái ấm gia đình để các em tiếp tục có tình thương.
Trao đổi về việc các con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung nên được giao cho tổ chức cá nhân nào chăm sóc và nuôi dưỡng, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có nhiều phương án như: Những tổ chức đã chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu trước khi Phi Nhung nhận nuôi, nay có điều kiện có thể nhận lại. Hay, hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH đón nhận các cháu vào. Hoặc, nhiều đồng nghiệp của cố ca sĩ Phi Nhung sẽ tiếp nối tâm nguyện của cô; các nhà hảo tâm cũng có thể nhận nuôi dưỡng các bé đầy đủ tình thương.
“Mình lựa chọn phương án tốt nhất trong những phương án có thể. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là tìm cho các bé gia đình nào đó để có không gian mang tính mái ấm gia đình và tiếp tục duy trì tình thương. Có như vậy, sẽ hạn chế thấp nguy cơ tổn thương cả về mặt tinh thần cũng như hạn chế sự phát triển tiềm năng của các em” – PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Ngoài việc đề cập đến việc đơn vị, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng 23 con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, hiện nay các bé rất cần sự hỗ trợ về tâm lý để ứng phó với những đau buồn, mất đi người mẹ đỡ đầu, cũng như mẹ ruột của mình mất đột ngột vì Covid-19. Có thể, sẽ có em có cảm giác tội lỗi vì bản thân đã bị bỏ rơi, sau đó có người nhận nuôi dưỡng thì nay lại ra đi là do mình không may mắn. Vì thế, PGS Trần Thành Nam cho rằng cần phải điều chỉnh lại nhận thức cho các em.
 Em Quỳnh Trang đại diện 22 em đến dự lễ cầu siêu cho mẹ nuôi Phi Nhung và nói lời cảm tạ.
PGS Trần Thành Nam cũng khuyến nghị thời điểm này cũng cần có những cách thức để hỗ trợ tâm lý cho các bé. Chẳng hạn như, chia sẻ, giao tiếp với các em về việc mẹ nuôi đã qua đời nhưng vẫn còn có những gia đình, tổ chức khác sẽ nhận nuôi dưỡng. Cũng có thể để cho các bé đặt câu hỏi về tương lai của mình.
Trong thời gian để tang cố ca sĩ Phi Nhung, hãy để cho các con nói về những kỷ niệm xưa, về những bức ảnh trong anbum. Các bé được phép dự một số nghi thức tang lễ như cầu nguyện, lễ tiễn đưa (chia tay) với người mẹ đã nuôi dưỡng mình.
Các em cũng phải được hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản để vượt qua cảm xúc ngẫu nhiên về tình cảm mẹ con ùa về, bằng cách: Viết thư tay cho người mẹ đã mất, nói chuyện trong tưởng tượng với người mẹ đã qua đời, tự hứa tới đây con sẽ thế nào, tụ nhủ vượt qua nỗi đau ra sao. Hằng ngày, các bé có thể viết nhật ký báo cáo với mẹ nuôi là hôm nay mình đã làm những gì.
Trong thời gian này, những nhân viên công tác xã hội đã được trang bị một số kỹ năng cơ bản về sơ cứu tâm lý có thể hỗ trợ cho các bé con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung. Trong trường hợp các bé cần hỗ trợ, tư vấn sâu hơn đã có những chuyên gia thuộc Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Hiện nay, trong xã hội còn có nhiều chuyên gia tâm lý đến từ trường đại học tình nguyện tư vấn, hỗ trợ; những kênh “vaccine tinh thần” rất cần được phát huy để giúp cho các con của cố ca sĩ Phi Nhung vượt qua nỗi đau này.
PGS Trần Thành Nam cũng cảnh báo những trường hợp trẻ em sống trong khu tâm dịch phải chứng kiến sự ra đi của người thân có thể bị chứng bệnh rối loạn strees do sang chấn. Căn bệnh này sẽ khởi phát sau 6 tháng đến 1 năm dẫn đến có rất nhiều nguy cơ về tâm lý tâm thần, vì thế cần có hệ thống để theo dõi các em và có can thiệp kịp thời, phù hợp.