Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cá, tôm trước thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở ĐBSCL, cá tra, tôm nước lợ là hai mặt hàng thủy sản XK chủ lực. Qua 3 tháng đầu năm 2015, tín hiệu từ vùng nuôi và thị trường XK không lạc quan như mong đợi. Các DN chế biến thủy sản đang tìm cách vượt khó để phát triển.

Cá tra nuôi sạch, ngon lành.
Cá tra nuôi sạch, ngon lành.
Diễn biến bất lợi

Bất chấp sóng gió, năm 2014, mặt hàng thủy sản XK của Việt Nam về đích, đạt kim ngạch XK cao nhất từ tước tới nay với 7,92 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013. Trong đó tôm XK chạm ngưỡng 4 tỷ USD, tăng 25% so năm trước và chiếm trên 50% kim ngạch toàn ngành.

Ở ĐBSCL, SX cá tra chưa sáng sủa, nhưng nuôi tôm nước lợ không ngừng gia tăng. Bên cạnh con tôm sú duy trì ổn định, tôm thẻ chân trắng (TCT) tăng trưởng mạnh, góp phần tạo nên mức tăng trưởng chung cho ngành hàng thủy sản.

Tuy nhiên qua qúy 1 năm 2015, giám đốc một công ty chế biển thủy sản tại Cần Thơ cho rằng, sụt giảm mạnh cả về sản lượng lẫn giá bán do đồng euro (EUR) mất giá mạnh so với đồng USD, khiến các DN NK của châu Âu thua lỗ vì giá hàng đội lên cao. Các công ty XK thủy sản Việt Nam buộc phải giảm giá bán. Chênh lệch giá xảy ra giữa lô hàng nhập sau rẻ hơn lô hàng nhập trước.
Ông Hồ Quốc Lực Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm SAOTA (Fimex) nhấn mạnh: “Việt Nam đang nuôi tôm theo VietGAP là đúng hướng, là một biện pháp để “tự răn mình”. Theo hướng này, hiện thời Fimex xây dựng vùng nuôi tôm đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu thị trường. Quy hoạch vùng nuôi có ao lắng, ao xử lý bùn, các công trình phụ chiếm đến 50% diện tích..., đáp ứng theo qui trình kỹ thuật nuôi tôm sạch”.

Tình hình một số nước có chủ trương phá giá đồng tiền, hàng NK càng đội giá lên cao cũng làm giảm sức tiêu thụ. Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, khi đồng USD mạnh lên nhưng giá bán cá tra, tôm cũng không thể tăng lên mà thậm chí còn giảm do tình trạng các nước XK cạnh tranh thị trường, hạ giá. Trên thị trường XK tôm sú, tôm thẻ chân trắng đều giảm tới 20% nên giá tôm nguyên liệu trong nước khá trầm lắng. Ở vùng nuôi tôm ven biển ĐBSCL, từ đầu năm đến nay thời tiết hết lạnh chuyển sang khô, nóng, một số hộ nuôi tôm vào vụ thả sớm gặp thất bại. Giá vật tư nuôi tôm tăng lên, trong khi tôm thẻ rớt giá nên làm giảm thu nhập cho người nuôi tôm.

Brasil, Trung Quốc và thị trường ASEAN đang mở cửa thị trường NK cá tra, nhưng không thể kỳ vọng giá bán tăng lên khi áp lực các DN cần xoay đồng vốn, đẩy hàng tồn kho. Tình hình đã tác động tiêu cực lên giá cá tra nguyên liệu, hiện còn khoảng 23.000đ/kg, giảm hơn 1.000-1.500đ/kg so với những tháng cuối năm 2014. Trong lúc này người nuôi cá tra trong vùng mệt mỏi, gần như tạm nhường sân cho các DN có vùng nuôi tự sản, tự tiêu.

Đối thủ cạnh tranh

Trước đây có quan niệm cho rằng, cá tra là sản phẩm độc tôn của Việt Nam. Qua thực tế trên thương trường, dần dần mặt hàng cá tra của ta mất dần lợi thế. DN XK cá tra thừa nhận tuy cá tra là quà của thiên nhiên ban tặng cho nước ta, nhưng chợ bây giờ không còn của riêng mình nữa. Thái Lan cũng có, nhưng không khai thác. Trung Quốc, Indonesia có loại cá cùng họ với cá tra Việt Nam, mỗi nước cũng đã có khoảng 300.000 tấn...

Trong khi đó cá minh thái (họ cá tuyết) hay còn gọi là cá Alaska pollack - loài cá biển từ vùng Alaska có khẩu vị ngon, giá rẻ hiện nằm trong top 5 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ. Cá minh thái là đối thủ cạnh tranh trực tiếp lớn nhất với cá tra. Năm 2007 - 2008, do sản lượng khai thác cá minh thái giảm tối đa để duy trì tính tự nhiên, cá tra đã gia tăng sản lượng tối đa. Trong 2 năm đó ĐBSCL bật nhanh, mở rộng vùng nuôi cá tra hơn 6.160 ha, sản lượng vượt hơn 1,1 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn được xem là cá tra tăng trưởng nóng, chính là do từ thị trường các nước NK cần hàng, kích giá cá tăng cao. Thế nhưng, vì tăng trưởng không bền vững nên những năm sau đó cá tra giảm dần diện tích nuôi và sản lượng.

 
Nuôi tôm sạch, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh.
Nuôi tôm sạch, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh.
Do vậy, trong điều hành của Hiệp hội cá tra Việt Nam – vấn đề quan trọng nhất là cần đánh giá được tình hình cung, cầu cá thịt trắng hàng năm trên thị trường thế giới. Từ đó khuyến cáo kế hoạch SX của từng địa phương đáp ứng sản lượng theo nhu cầu thị trường.

Nói đến trở ngại thị trường XK tôm, ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm SAOTA (Fimex) cho rằng: Khó dự đoán tình hình nguyên liệu trong năm 2015 để có thể chủ động kế hoạch kinh doanh. Bởi tôm nuôi hiện còn bị dịch bệnh. Trong khi hiện nay Indonesia, Ấn Độ, Ecuador đang tăng diện tích nuôi, sức cung ứng sẽ tăng. Vào thời điểm này họ có tôm và chào bán giá rẻ.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản trong qúy 1/2005 ước đạt 1,27 tỉ USD, giảm 23% so cùng kỳ năm 2014 và là mức giảm mạnh nhất trong 5 năm qua. Trong đó, XK tôm, giảm gần 30%, cá tra giảm 18%. Đây là hai mặt hàng thủy sản chủ lực ở ĐBSCL.
Theo ông Lực, những khó khăn của DN chế biến XK tôm và cá có khác nhau. DN Việt Nam mua bán còn phải theo người mua và không có khả năng dẫn dắt người tiêu dùng. Muốn chuyển hướng làm sản phẩm giá trị gia tăng để tăng khả năng tiêu thụ tốt, nhưng không phải DN nào muốn cũng làm được. Trong số các mặt hàng thủy sản, còn có tôm càng xanh, cá rô phi dòng gift đều có thị trường.

Hiện nay, Ấn Độ nuôi nhiều tôm càng xanh. Riêng cá rô phi có thị trường lớn, thời gian nuôi ngắn hơn cá tra, chỉ 4 - 4,5 tháng là lấy phi-lê. Tuy vậy vấn đề quan trọng là giống, chúng ta còn chậm chân, chưa chủ động được giống. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản trên thế giới tăng ở mức bình thường 3 - 5% và chỉ ngoại trừ năm nào tình hình kinh tế thế giới ổn định hay năm thiên niên kỷ… mới hy vọng giá có thể tăng lên cao hơn.

Như vậy, ở vùng nuôi tôm ở ĐBSCL muốn nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành SX tôm nguyên liệu, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, yểm trợ các giải pháp kỹ thuật hạ thấp tỷ lệ dịch bệnh, đầu tư xây dựng trung tâm ương nuôi con giống, nâng cao chất lượng tôm giống.