Lễ hội diễn ra từ ngày 16-17/12/2022 tại TP Hồng Ngự. Dự kiến có khoảng 50 nghìn người tham dự, gồm: Các đối tác trong ngành hàng cá tra, du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung - cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.
Tại Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023” chiều 16/12 tại TP Hồng Ngự, Tổng cục thủy sản cho biết: Ngành thủy sản có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến vượt 11 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất từ trước tới nay. Ước tính cả năm, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 ha (bằng 104% so với cùng kỳ năm 2021); sản lượng cá tra đạt khoảng 1.6 triệu tấn (bằng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021); kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Theo VASEP, tính đến 15/11/2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa Kỳ chiếm 23%.
Sau khi tăng nóng trong nửa đầu năm, lượng tồn kho tăng và tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu khiến nhu cầu của Hoa kỳ giảm. Trong 9 tháng đầu năm nay, Hoa kỳ nhập khẩu 104,5 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh, giá trị 445 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: EU, Thái Lan, Mexico... Giá xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng trung bình từ 28 - 66%.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản (cá Tra) của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%; cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL. Tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn cá tra là 01 trong 05 ngành hàng chủ lực của Tỉnh trong thực hiện đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, và triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra" đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, mối liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra giữa các cơ sở nuôi với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến trên địa bàn.
Tính đến tháng 11/2022, diện tích luỹ kế nuôi cá tra ước đạt 2.450 ha, đạt 111,3% so với kế hoạch, tăng 17,3% so cùng kỳ, với sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn, kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế khoảng hơn trên 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.