Dù trên thực tế, mô hình này đã góp phần giải quyết nhu cầu của người dân nhưng lại chưa được đưa vào quản lý một cách chính thức, rõ ràng, dẫn đến nhiều bất cập.
Nhu cầu quá lớn
Cùng với quy mô dân số, lượng phương tiện cá nhân của Hà Nội đang tăng từng ngày và hiện TP có khoảng trên 550.000 ô tô. Vậy nhưng, theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Thủ đô mới chỉ đáp ứng được từ 8 - 10% nhu cầu đỗ xe, nghĩa là cứ 10 chiếc xe thì đến 9 chiếc không biết đỗ, gửi ở đâu. Từ đó dẫn đến việc bùng phát các bãi trông giữ xe “lậu”, mà phổ biến là trên đất của các dự án “treo” hoặc chưa triển khai. Trên thực tế, các bãi xe mang tiếng là “lậu” này đang giải quyết một phần không nhỏ nhu cầu đỗ, gửi ô tô của người dân, nhưng nó cũng khiến cơ quan chức năng lúng túng trong công tác quản lý.
Vấn đề nằm ở chỗ, các bãi trông giữ này không được cấp phép và cũng không ai dám cấp phép. Thế nhưng, nhiều bãi xe vẫn âm thầm tồn tại dưới hình thức tự phát tại các quận trung tâm, và khi có dư luận phản ánh thì buộc phải đóng cửa, kéo theo đó là nỗi khổ không biết “đi đâu về đâu” của hàng loạt chủ phương tiện. Đơn cử như, ngày 15/8 vừa qua, khi điểm trông giữ với sức chứa 500 xe, nằm trên đất dự án thuộc Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) bị đóng cửa, người dân đã phản ứng rất dữ dội với lực lượng chức năng.
Đại diện Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai cho hay, việc trông giữ xe không phép, sai phép là phải xử lý đúng theo quy định. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì bãi xe tạm này đã giải quyết nhu cầu thực tế cho người dân khu vực trong một thời gian. Chị Nguyễn Thanh Huyền (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) chia sẻ: “Chúng tôi mong mỏi có chỗ gửi xe, tạm thời đất để trống sao chính quyền không tạo điều kiện cho chúng tôi gửi mà lại dẹp đi, chúng tôi biết để xe ở đâu?”.
Tìm giải pháp phù hợp
Các chuyên gia nhìn nhận, nhu cầu của người dân là có thực, cấm cũng không xuể, mà lại không có cơ chế cấp phép, quản lý, nên chính quyền nhiều quận đang rất lúng túng trước các bãi xe “lậu” trên đất dự án. TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) cho rằng: “Thay vì cấm, TP nên có chủ trương cho lập bãi xe tạm trong khuôn viên các dự án chưa triển khai như một giải pháp tình thế. Mô hình này có thể giao thẳng cho chính quyền địa phương tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về trật tự, an ninh trong khu vực có bãi xe. Giải pháp này chỉ là tạm thời nhưng sẽ có lợi cho người dân cũng như công tác quản lý đô thị”.
Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn Giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình, kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn TP, đại diện UBND quận Cầu Giấy đã đề xuất được tạm cấp phép cho trông giữ xe tại các khu đất dự án chưa thực hiện để giải quyết nhu cầu của người dân. Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho hay, các điểm đỗ xe trên địa bàn quận hiện mới đáp ứng được từ 15 - 20% nhu cầu thực tế. Với dân số cơ học gia tăng mạnh thời gian qua, Cầu Giấy đang rất khó khăn trong giải quyết điểm đỗ, bãi đỗ xe. Trong khi đó, nhiều dự án hiện đang quây tôn rào kín rồi bỏ không; nếu được cấp phép tạm sử dụng trông giữ xe sẽ giúp giải quyết đáng kể nhu cầu đỗ, gửi phương tiện. Trưởng Ban Đô thị, Trưởng Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, sẽ tiếp thu và sớm trình lên HĐND, UBND TP xem xét đề xuất này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, chặt chẽ để quản lý các bãi trông gữi xe “tạm”, tránh để phát sinh những hệ lụy về sau. Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
TP có thể xem xét chủ trương cho tạm sử dụng các khu đất trống làm bãi giữ xe, nhưng không phải vì thế mà khuyến khích loại hình này nở rộ, hay để nó biến tướng thành chiêu trò đối phó dư luận của chủ đầu tư các dự án “treo”. Trông giữ xe chỉ là lợi ích tạm thời nhưng dự án “treo” gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị lại là hệ luỵ lâu dài. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng |