Theo đó, căn cứ vào diễn biến của phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã quyết định tuyên phạt các bị cáo hình phạt nhẹ hơn so với án sơ thẩm. Cụ thể, các bị cáo phải nhận tổng cộng 342 tháng tù và 11 tháng tù treo về các tội danh bị truy tố. Trong khi trước đó, TAND huyện Phúc Thọ đã tuyên phạt tổng cộng 475 tháng tù và 39 tháng án treo cho 17 bị cáo về 3 tội danh “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Huỷ hoại tài sản”. Sau khi xét xử sơ thẩm, đã có 15 bị cáo làm đơn kháng cáo.
Ảnh cắt từ clip vụ việc
Trong 2 ngày diễn ra phiên toà phúc thẩm, mặc dù các nhân chứng, bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có mặt tại phiên toà nhưng đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố với các bị cáo, đồng thời đề nghị giảm án cho họ so với mức án sơ thẩm. Cũng tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho 15 bị cáo đều đề nghị HĐXX phúc thẩm huỷ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Bởi, theo các luật sư, toà buộc tội các bị cáo đều dựa trên lời khai của nhân chứng, không có vật chứng cụ thể nên thiếu khách quan. Đồng thời, các nhân chứng trong vụ án là cán bộ, công an viên tại địa phương và có mâu thuẫn về quyền lợi với các bị cáo nên lời khai của họ không đảm bảo khách quan. Đặc biệt, tại toà sơ thẩm và phúc thẩm, các nhân chứng này đều không có mặt. Bên cạnh đó, các luật sự cũng cho rằng, trong quá trình điều tra, các bị cáo không được đối chất với nhân chứng. Và việc định giá tài sản mà các bị cáo huỷ hoại cũng không tuân thủ quy định của Nhà nước. Ngay cả các máy móc, thiết bị mà các bị cáo phá huỷ cũng không được đưa ra làm chứng ở cả hai phiên toà. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra chỉ thu thập những chứng cứ buộc tội cho bị cáo mà không xem xét đến các chứng cứ chứng minh họ vô tội…