Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các bộ trưởng G20 lần đầu tiên bày tỏ lo ngại về dịch Ebola

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/9, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền...

Kinhtedothi - Ngày 21/9, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã thảo luận về dịch bệnh Ebola đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia Tây Phi.

Trong tuyên bố chung sau hai ngày họp (20-21/9) tại Cairns thuộc bang Queensland của Australia, các bộ trưởng G20 đã lần đầu tiên bày tỏ lo ngại về việc dịch bệnh Ebola gây tổn thất sinh mạng con người cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ phát triển kinh tế và ổn định ở khu vực Tây Phi.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp phản ứng quốc tế.

 
Nhân viên WHO trong trang phục bảo hiểm chuẩn bị vào bệnh viện Kagadi ở Uganda, nơi dịch Ebola bùng phát. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên WHO trong trang phục bảo hiểm chuẩn bị vào bệnh viện Kagadi ở Uganda, nơi dịch Ebola bùng phát. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey nhận định dịch Ebola là một thách thức toàn cầu có thể ảnh hưởng tới tham vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của G20, song các nước vẫn cần hy vọng vào một kết quả tốt đẹp hơn. Ông cho biết Australia đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ tài chính các nước để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.

Cùng ngày, Mỹ đã triển khai quân đợt hai tới Liberia trong khuôn khổ kế hoạch huy động tổng cộng 3.000 binh lính đến trợ giúp khu vực Tây Phi đấu tranh dập dịch Ebola.

Hiện chưa có con số chính xác về quy mô đợt điều quân mới, tuy nhiên cuối tuần trước, phía Mỹ đã thông báo kế hoạch điều 45 binh sỹ tới Liberia. Lực lượng của Mỹ sẽ tập trung vào việc huấn luyện các nhân viên y tế địa phương và thiết lập các cơ sở y tế để giúp Liberia và các nước láng giềng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Nhóm binh sỹ mới sẽ lập một trụ sở cho Trung Tướng Darryl Williams, người sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát phái bộ của Mỹ. Các chuyên gia kỹ thuật quân sự sẽ xây dựng các trung tâm điều trị Ebola mới tại các khu vực bị ảnh hưởng, trong khi các sỹ quan Mỹ sẽ giúp tuyển dụng nhân viên y tế làm việc tại các đơn vị này.

Lầu Năm Góc cho biết các binh sỹ của mình sẽ không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo kế hoạch triển khai binh sỹ tới khu vực Tây Phi hồi tuần trước, đồng thời phát lời kêu gọi quốc tế hành động nhằm ngăn chặn virus Ebola lan rộng "theo cấp số nhân."

Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã hoan nghênh phái bộ của Mỹ và bày tỏ hy vọng động thái này của Washington sẽ thúc đẩy các nước khác cung cấp thêm các hỗ trợ để giúp đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

Trong một diễn biến liên quan, tại Liberia, chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch tăng gấp 4 lần số giường bệnh tại thủ đô Monrovia để đáp ứng nhu cầu điều trị cho tất cả bệnh nhân nhiễm virus Eblola.

Bộ trưởng Thông tin Lewis Brown cho biết chính phủ đang nỗ lực hết mình để lắp đặt thêm 1.000 giường nhằm phục vụ tất cả các bệnh nhân. Theo ông, cơ sở điều trị Ebola thứ ba đã được thành lập tại Monrovia ngày 21/9 với 150 giường bệnh.

Bộ trưởng Brown nhấn mạnh bằng cách này, Liberia sẽ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhờ chấm dứt tình trạng những bệnh nhân bị từ chối tại các cơ sở y tế trở về cộng đồng và có thể lây nhiễm sang người khác.

Các động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Liberia sẽ có thêm hàng nghìn ca nhiễm mới sau khi đã có hơn 1.450 ca tử vong vì Ebola.

Trong khi đó, ngày 22/9 tại Nigeria, hầu hết học sinh đã trở lại trường học sau đợt nghỉ bắt buộc vì dịch Ebola. Riêng tại bang Lagos, học sinh vẫn phải ở nhà thêm một thời gian vì lo ngại virus lây lan.

Thống đốc bang Lagos cho biết các trường tiểu học và trung học cơ sở tại bang này sẽ chỉ mở cửa trở lại vào ngày 8/10 tới. Thời gian nghỉ kéo dài nhằm hoàn tất việc phân phát các vật dụng vệ sinh và phòng bệnh cá nhân chống lây nhiễm Ebola tại trường học.

Nigeria là nước có số người nhiễm ít nhất. Hiện chỉ có 8 ca tử vong trong số 20 ca nhiễm. Hồi tháng 8, chính phủ nước này đã thông báo hoãn ngày khai trường trên toàn quốc cho tới ngày 13/10. Tuy nhiên, trong vòng 10 ngày qua, Nigeria không phát hiện thêm ca nhiễm mới nào nên nhiều nơi ngày khai trường đã được đẩy lên sớm hơn.

Các trường học đều đã được yêu cầu thực thi các chương trình huấn luyện cho nhân viên về các thủ tục vệ sinh phòng bệnh như kiểm tra thân nhiệt và lập các khu rửa tay sạch sẽ...

Trong một diễn biến mới nhất, tại Sierra Leone, sau 3 ngày giới nghiêm, các nhân viên y tế và an ninh đã phát hiện thêm 22 người nhiễm bệnh và gần 70 thi thể người thiệt mạng vì Ebola khi thực hiện chiến dịch rà soát từng nhà để phát hiện bệnh.

Theo WHO, virus Ebola đến nay làm hơn 2.600 người tử vong ở khu vực Tây Phi. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã coi virus Ebola là một mối đe dọa đối với hòa bình thế giới.

Cơn sốt mà virus này gây ra có thể gây tử vong cho người trong vòng vài ngày, sau các triệu chứng như đau cơ, ốm yếu, buồn nôn và tiêu chảy, trong nhiều trường hợp còn có biểu hiện xuất huyết và hỏng nội tạng.