Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các cách tạo sân chơi cùng trẻ, giảm thời gian xem tivi, điện thoại trong mùa dịch

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch của cha mẹ và học sinh. Trong thời điểm này, việc tạo không gian vui vẻ, hữu ích để trẻ hạn chế xem TV, điện thoại là điều khiến nhiều bố mẹ băn khoăn.

Nghỉ dịch dài đằng đẵng làm nhiều kế hoạch đi chơi, đi học của các em đều phải hoãn lại, ở trong nhà thời gian dài. Để trẻ có thời gian an toàn và bổ ích tại nhà, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, các bậc phụ huynh đã dành nhiều thời gian lên kế hoạch, giúp trẻ cân bằng giữa hoạt động trí óc và thể chất.

1. Để trẻ “làm chủ” gia đình

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, việc cùng trẻ lao động, làm những việc vừa sức trong gia đình giúp các con rèn được nhiều đức tính tốt và những kỹ năng cần thiết như tính kỷ luật, tính chủ động, tính sáng tạo, ý thức trách nhiệm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức sắp xếp công việc. Hãy giao việc, giao nhiệm vụ cho con theo từng độ tuổi. Để trẻ sắp xếp phân nhiệm vụ cho từng thành viên, các thành viên trong gia đình bình đẳng như nhau. Nguồn lực giao cho trẻ là “tiền thưởng” để chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, hàng năm. Trẻ sẽ tự lên các danh sách việc phải hoàn thành hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, bao gồm cả danh sách các công việc phát sinh và các rủi ro phải xử lý nếu xảy ra trong cuộc sống gia đình.
 Trẻ em giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Ảnh: Minh An.

Tuy nhiên, cha mẹ theo đó cần giám sát thời hạn và chất lượng các việc phải hoàn thành từng việc, thời gian hoàn thành cho toàn bộ các công việc. Tuy nhiên cần lưu ý việc này không được ảnh hưởng đến thời gian học tập và thời gian rèn luyện sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi, giải trí của trẻ.

Bà Nguyễn Kim Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các con sẽ hứng thú lao động và sáng tạo hơn vì được "làm chủ". Thông qua lao động trẻ phải động não nhiều hơn, trẻ sáng tạo hơn, trẻ cũng sẽ bộc lộ rõ các điểm mạnh, điểm yếu, năng khiếu, thói quen, tính cách. Chúng ta sẽ hiểu con hơn và có các biện pháp hỗ trợ giúp con trưởng thành, tự lập nhanh hơn.

2. Học cách làm đồ chơi

Thời gian dài ở nhà, trẻ em sau khi đã chán với đồ chơi cũ và những cuốn truyện đã đọc đi đọc lại, nhiều em thường nghĩ ra các trò chơi mới. Chị Thuý Loan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) – giáo viên mần non, thấy con trai mình thích những thứ bỏ đi trong nhà như: Chai nước, bìa cát-tông, giấy lịch… để nghĩ ra những trò chơi mới đã rất ủng hộ. Bởi, việc bé làm đồ chơi không chỉ giúp “giết” thời gian mà còn có thể học thêm nhiều kỹ năng.
 Trẻ em vui chơi cùng bố mẹ tại nhà. Ảnh: Minh An.

Theo chị Loan, trong lúc làm đồ chơi và chơi, con sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề cần giải quyết như cách thức làm đồ chơi phải thay đổi để có thể chơi được hoặc luật của trò chơi thế nào để phù hợp với tất cả người chơi cùng là ba mẹ hay bạn bè…, trẻ sẽ phải tự mình đưa ra quyết định cho mọi sự thay đổi. Bé phải thương lượng cách chơi với những thành viên tham gia, đôi khi là tranh luận để bảo vệ ý kiến cả bản thân, do vậy trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề.

Vốn từ vựng sẽ phát triển nhanh chóng khi bé cùng làm đồ chơi với ba mẹ hay bạn bè. Khi làm việc để tạo ra đồ chơi bất kỳ, đôi khi chúng ta sẽ thấy các con chơi những trò chơi hoàn toàn mới so với ý tưởng ban đầu đưa ra. Con có thể biến tấu một phần trò chơi đang chơi hoặc thay đổi hoàn toàn cách chơi dựa trên chính đồ chơi cũ, vẽ thêm vào đồ chơi những gì bé nghĩ là đẹp… một cách vô cùng thích thú. Đó chính là lúc tính sáng tạo của trẻ đang được phát huy.

3. Vận động ngoài trời

Tạo sân chơi an toàn, bổ ích cho trẻ trong dịp hè vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa có kỳ nghỉ hè thú vị là vấn đề nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Chị Hà My (Đông Anh) chia sẻ: Tôi sống cạnh ông bà nên 2 con của tôi rất thích vào chơi nhà ông bà vì có sân vườn rộng trồng nhiều loại trái cây. 2 con thường xuyên xin bố mẹ ở lại nhà ông bà, vì được ông bà cho đi trồng rau, câu cá, thu hoạch trái cây và được nghe bà kể chuyện cổ tích, cùng ông tham gia các trò chơi như đá bóng, đánh cầu nên chúng rất thích thú. Năm nay dịch bệnh tương đối phức tạp nên tôi không đăng ký cho các bạn học các lớp bơi lội hay học thêm các môn, chủ yếu gửi nhà ông bà. Tôi cũng cảm thấy may mắn vừa có người trông con trong dịp hè vừa giúp con tránh xa điện thoại, ti vi mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

4. Thiết kế trang phục

Trẻ em có thể thỏa sức sáng tạo với thử thách thiết kế trang phục. Phụ huynh hãy chọn một bộ phim hoặc một quyển sách nào đó và đặt mốc thời gian trong 30 phút hoặc 1 tiếng để con tạo ra một bộ trang phục cho nhân vật trong câu chuyện được đưa ra. Con có thể dùng các vật dụng sẵn có tại nhà như dùng chăn để làm áo choàng hay thậm chí xoong nồi để làm mũ. Ba mẹ hãy để con thỏa sức tự do sáng tạo và tự tay tạo nên một bộ trang phục từ bất kì đồ vật nào ở xung quanh nhà.

5. Vui đùa cùng sách

Khi con đọc sách, phụ huynh hãy tạo cơ hội để con có thể diễn tả lại câu chuyện trong sách bằng hành động, âm thanh. Nếu như đó là một cuốn sách mà con chưa từng đọc qua, hãy để con thử đoán trước và diễn tả nội dung sẽ diễn ra.

Phụ huynh cũng có thể khuyến khích con suy nghĩ về giọng điệu hay cách di chuyển của một nhân vật trong câu chuyện. Việc này không chỉ giúp con có hứng thú hơn với việc đọc sách mà nó còn là một hoạt động tương tác thú vị giữa ba mẹ và con.