Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các cuộc thi qua mạng: Thêm gánh nặng học hành

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi giải Toán qua mạng Violympic 2016 đang vào vòng cấp trường, bên cạnh đó còn rất nhiều cuộc thi khác: Trạng nguyên nhỏ tuổi, giải Toán bằng tiếng Anh...

Những cuộc thi này đã tạo nhiều tranh cãi, bày tỏ sự lo ngại trước một sân chơi trí tuệ bị biến tướng thành một cuộc chạy đua về thành tích, gây áp lực cho cả thầy lẫn trò.
Học thụ động, máy móc
Mục tiêu của cuộc thi Violympic là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học tại các trường phổ thông, tạo sân chơi trực tuyến môn Toán, Vật lý, tiếng Anh cho học sinh (HS) tiểu học và THCS giao lưu, học tập. Vậy nhưng cuộc thi đang diễn biến theo nhiều hướng, trong đó có cả hướng tiêu cực trước sức ép thành tích.

Các cuộc thi qua mạng vô hình trung biến thành cuộc đua thành tích. 

Một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, các mô hình học, cuộc thi online sẽ rất tốt nếu thực sự là sân chơi giải trí, hỗ trợ học tập. Đồng quan điểm, chị Thu Phương, ở quận Hà Đông thừa nhận, chị biết nhiều bố mẹ thúc giục và lập nhiều tài khoản cho con, thậm chí làm thay con nhằm có thành tích cao lọt vào vòng sau, điều này là không nên. “Bản thân tôi ban đầu rất ủng hộ và còn hướng dẫn con, nhưng sau đó nhận thấy việc làm đi làm lại nhiều lần khiến trẻ học thụ động, nên đã không cho cháu tiếp tục thi nữa. Bản thân cháu cũng cho biết là chán và mệt mỏi" – chị Phương chia sẻ.
Cũng phải nói thêm, những ngày vừa qua, chia sẻ của một phụ huynh được đăng tải trên mạng về cuộc thi Violympic này khiến không ít người làm giáo dục giật mình: “Một đứa trẻ bình thường mất từ 30 - 50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, nhưng sau vài chục lần làm đi làm lại chỉ mất 5 - 10 phút là hoàn thành. Đó có phải trí tuệ và sự sáng tạo? Hoàn toàn không, đó là thành tích. Nó không khác mấy trò chơi điện tử, càng chơi càng thành thục, càng nhanh. Vậy người lớn chúng ta cần gì từ cuộc thi này đối với con?”.
Ngay cả GV cũng thừa nhận, trong thời điểm chuẩn bị thi học kỳ I, HS phải luyện đủ 10 vòng Toán, 6 vòng Vật lý, 6 vòng Toán tiếng Anh để kịp thi cấp trường. Nếu chỉ thi theo kiểu tự nguyện thì không sao, nhưng với nhiều trường, kỳ thi này được coi như một cách để đánh giá chất lượng, phong trào dạy - học của thầy và trò. Vậy là cả HS, GV, phụ huynh bị cuốn vào cuộc thi với tâm lý khá nặng nề.
“Gánh nặng” hàng loạt cuộc thi
Tuần qua, phụ huynh có “nick” Le Dung đã gây bão dư luận khi phản ánh sự mệt mỏi, bức xúc khi con mình tham gia cuộc đua không cân sức của những đứa trẻ 6 tuổi. Với hơn 30 bài Toán trong cuộc thi Violympic, con mất hơn 30 phút để hoàn thành các vòng thi tự do và xếp hạng 147.000 trên cả nước. Hạng nhất thuộc về một thí sinh 6 tuổi khác với thành tích 5 phút 47 giây... Theo phân tích của một chuyên gia giáo dục, việc HS luyện đến mức làm 30 bài Toán trong vòng 5 - 10 phút là không tưởng. Nếu một vòng thi thiết kế 30 bài Toán trong vòng 60 phút thì việc HS làm trong vòng 5 - 10 phút chỉ có thể lý giải nguyên nhân là phần mềm cuộc thi đã bị “hack”, còn nếu như HS luyện đến mức chỉ bấm máy một cách thành thục để đạt thời gian ngắn nhất thì cuộc thi lại sai mất mục tiêu ban đầu. Đây là vấn đề mà Ban tổ chức cuộc thi cần nghiên cứu và có phản hồi chính xác.
Liên quan đến cuộc thi, một GV tiểu học ở quận Cầu Giấy cho biết, không chỉ HS vất vả mà thầy cô cũng bận rộn để hướng dẫn HS ôn luyện. “Bộ GD&ĐT ra chủ trương rất đúng là bỏ thi HS giỏi, cấm học thêm - dạy thêm. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cuộc thi có thành phần giải thưởng, sau đó kết quả giải sẽ được làm tiêu chí để cộng điểm trong quá trình xét tuyển vào các trường THCS top đầu... Tiêu chí này không chỉ ở Violympic mà còn các cuộc thi của những môn học khác, chính điều này đã làm tăng áp lực cho HS, tạo thêm gánh nặng trên vai HS, GV thì thêm việc và rất vất vả” – GV này chia sẻ.
Bộ GD&ĐT đã chủ trương giảm áp lực học tập đối với HS, trong đó quy định không cho thi HS giỏi, cấm dạy thêm - học thêm nhưng lại cho phép tổ chức các cuộc thi còn căng thẳng hơn cả thi HS giỏi. Đã bỏ thi HS giỏi cấp tiểu học thì nên bỏ thi tất cả những cuộc thi mang tính ganh đua như vậy.
PGS Văn Như CươngChủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh