Một nghiên cứu mới đây của một công ty thị trường cho thấy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, có tới 80% người Việt đã giảm tần suất ra ngoài cũng như hạn chế các hoạt động giải trí như ăn uống, gặp gỡ bạn bè… Đồng thời tần suất sử dụng mạng internet, trong đó chủ yếu phục vụ cho nhu cầu giải trí đã tăng gần gấp đôi.
Người dùng tăng đột biến
Là nhân viên của một DN tư nhân, anh Nguyễn Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đang trong giai đoạn nghỉ làm luân phiên 7 ngày. Vốn quen với guồng công việc liên tục, làm gì để “giết” quãng thời gian dài đằng đẵng này cũng là vấn đề nan giải. Mặc dù không có thói quen xem phim trên mạng nhưng do suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà nên hiện tại đây lại là thú vui giải trí duy nhất của bản thân mình và gia đình, anh Hòa chia sẻ.
Cũng tương tự như anh Hòa, nhiều người đang chọn xem phim hoặc các chương trình giải trí trên mạng nhằm giải tỏa cảm giác bức bối thời đại dịch.
Không chỉ tính đến việc tạm dừng các dự án lớn, đơn vị đã phải tính toán phát triển các ý tưởng mới với quy mô nhỏ hơn, thực hiện đơn giản và nhanh chóng hơn. Nhưng trên thực tế đây chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời chứ không phải cho lâu dài - đại diện POPS Worldwide chia sẻ. |
Theo số liệu khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, xu hướng giải trí của người dùng Việt từ offline sang online được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh nếu tình trạng dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trên thực tế, các DN kinh doanh dịch vụ giải trí trực tuyến trong nước cũng đang được hưởng lợi không nhỏ từ dịch Covid-19. Có thể kể đến như POPS Worldwide, một trong những DN giải trí đa phương tiện hàng đầu Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, lượt xem trên kênh Youtube của đơn vị đã tăng tới 22% so với cùng kỳ 2019.
Đặc biệt, lượng thời gian người dùng xem các chương trình phát trực tiếp của POPS Worldwide đã tăng tới 300% trong những tháng qua. Các nội dung dành cho lớp người dùng là học sinh cũng có sự tăng trưởng mạnh tới gần 200%. Bên cạnh đó các chương trình giao lưu với nghệ sỹ cũng đạt được lượng theo dõi vượt trội so với thời gian trước.
Đối với FPT Play, lượng người dùng tăng mỗi tháng ở mức xấp xỉ 50% trong suốt 3 tháng vừa qua. Đây là một con số thực sự ấn tượng với bất cứ dịch vụ giải trí trực tuyến nào.
Không chỉ giúp các hãng truyền hình trực tuyến tăng trưởng, Covid-19 cũng tạo cơ hội không thể tốt hơn cho loại hình giải trí web-drama (phim chiếu trên web), một xu hướng đang thịnh hành trên thế giới phổ biến ở Việt Nam. Với việc không phụ thuộc vào các đài truyền hình, rạp chiếu phim, dễ tiếp cận hơn với khán giả, web-drama cũng giúp giới nghệ sỹ phần nào đó giảm thiểu thiệt hại về mặt kinh tế do dịch bệnh mang lại. Có thể kể đến những web-drama rất thành công trong giai đoạn này như “Bố Già”, “Thập tam muội”, “Nhà trọ có quá trời phòng”, “Ai chết giơ tay”... Hay hiện tượng “Phượng Khấu” đã giúp lượng truy cập vào ứng dụng POPS của POPS Worldwide tăng gấp 7 lần, thậm chí nhiều lúc còn xảy ra nghẽn mạng.
Với việc các web-drama thường chọn Youtube là nền tảng chính để đăng tải tác phẩm của mình, trung bình mỗi clip đạt được từ 10 - 20 triệu lượt xem giúp đơn vị sản xuất thu về số tiền vào khoảng 200 - 400 triệu đồng, ngoài ra còn có doanh thu từ các hoạt động quảng cáo khác trong phần nội dung. Rõ ràng đây là số tiền không nhỏ trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành như hiện nay.
Tăng khuyến mại hút người dùng
Nhận thấy quãng thời gian diễn ra dịch Covid-19 là cơ hội không thể tốt hơn để tăng lượng người dùng, các DN truyền hình trực tuyến đã liên tục đưa ra các chương trình giảm giá thuê bao, tăng thêm nội dung cung như bổ sung dịch vụ gia tăng khác làm đa dạng hoá trải nghiệm cho khách hàng.
Có thể kể đến như FPT Play đã giảm giá gói thuê bao 12 tháng từ 1,2 triệu xuống còn 1 triệu, kèm theo đó là tặng miễn phí kho phim chiếu rạp đến hết 30/4. Hay miễn phí xem thử 30 ngày cho những khách hàng đăng ký mới. Phần nội dung được bổ xung những chương trình phù hợp với thời điểm hiện tại như: học online cho học sinh các cấp, học nấu ăn, học Yoga… Đồng thời hàng loạt kênh truyền hình được nâng cấp lên chế độ FullHD cùng nhiều bộ phim chất lượng 4K.
Đối với ClipTV, dịch vụ này không chỉ bổ xung một số lượng lớn các bộ phim trong và ngoài nước mà còn cung cấp tới khách hàng các tin tức dưới dạng video, qua đó người dùng có thể cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình thời sự thông qua những đoạn clip ngắn. Giá dịch vụ cũng được giảm xuống mức khá thấp với phí 60.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, dịch vụ truyền hình MyTV của VNPT cũng tung ra nhiều khuyến mại như: Giảm 12% cước cho các gói chuẩn và nâng cao, từ đó kéo mức phí xuống còn 40.000 đồng/tháng và 55.000 đồng/tháng; Mua các góp MyTV vào thời gian cố định sẽ được giảm giá chỉ còn từ 20.000 đồng/tháng.
Mặc dù đang gặp nhiều thuận lợi nhờ dịch Covid-19 nhưng các dịch vụ kinh doanh giải trí trực tuyến cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Đại diện của POPS Worldwide cho rằng, với tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, công tác sản xuất nội dung gần như bị đình trệ hoàn toàn, các chương trình lớn với nội dung đặc sắc sẽ phải điều chỉnh hoặc thay đổi, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới trải nghiệm của khách hàng.
(Còn nữa)