Các điểm vui chơi, mua sắm, giải trí dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Còn nhiều... “sạn”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 năm nay khá dài, vì thế, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng lượng khách đến các trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí vẫn khá lớn.

Siêu thị tấp nập, chợ vắng khách

Tại các siêu thị và trung tâm thương mại lớn của thành phố, 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, lượng khách tới tham quan và mua sắm tăng mạnh, khách hàng không chỉ là người dân tại thành phố mà còn từ các tỉnh đổ về. Theo thông tin từ siêu thị Big C, mỗi ngày siêu thị này thu hút từ 6 - 7 vạn người đến tham quan, mua sắm khiến địa điểm sôi động từ sáng tới tận tối muộn… Các mặt hàng được người dân lựa chọn nhiều nhất vẫn là quần áo, thực phẩm, hàng tiêu dùng có mức giảm giá mạnh. Tại các siêu thị điện máy lớn như Pico, Trần Anh, TopCare, Media Mart... khách hàng cũng đổ về mua sắm trong những ngày nghỉ lễ.

Trái ngược với sức mua ở các siêu thị là tình trạng ế ẩm tại các chợ truyền thống. Tại các chợ Thành Công, Nghĩa Tân, Đồng Xa, Ngã Tư Sở, Minh Khai, Thanh Xuân… tất cả các mặt hàng kinh doanh từ thực phẩm đến thời trang không còn cảnh người mua tấp nập như mọi ngày. Nhiều hàng quán rơi vào cảnh hàng hóa bị ế ẩm do sức mua bị giảm mạnh, do đó, giá cả một số mặt hàng thực phẩm, rau củ quả vẫn ổn định.

Theo nhiều tiểu thương, do nghỉ lễ dài, người dân đổ đi du lịch, những người dân ở lại thành phố lại có thời gian thư thả hơn mọi ngày để mua sắm tại siêu thị, nơi có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hơn nên sức mua tại các chợ lẻ giảm mạnh là chuyện dễ hiểu.

Khu vui chơi, dịch vụ ăn uống, trông xe quá tải

Dịp lễ năm nay, những người dân không có điều kiện đi chơi xa đã quyết định đến các khu vui chơi, giải trí ven Hà Nội để tiết kiệm chi phí.

Bất chấp nắng nóng, dòng người đổ dồn về công viên nước Hồ Tây, Công viên Thống Nhất, vườn thú Hà Nội, Thiên đường Bảo Sơn... Quá tải, đó là ghi nhận của nhiều người khi đến những điểm vui chơi giải trí này. Đắt hàng nhất phải kể đến dịch vụ cho thuê đồ chơi  phục vụ trẻ em ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Giá thuê 30.000đồng/10phút điều khiển mô tô bị cho là đã tăng giá 10.000 đồng so với ngày thường.

Bụi bặm và đông đúc, thức ăn nhanh bày bán ngay lối đi tại Công viên Thủ Lệ không được che đậy. Vào công viên xem thú nhưng lại bị hàng ăn bao vây, chào mời, chèo kéo. Một chiếc xúc xích có giá 15.000 đồng  tăng lên 25.000 đồng; một chai La Vie có 5.000 đồng nhưng ở đây bán 15.000 đồng... Còn trong Công viên Thống Nhất, hàng ăn còn căng bạt gây phản cảm. Nhu cầu vui chơi, ăn uống tăng, nên nhiều người kinh doanh bất chấp quy định, bỏ qua các khâu đảm bảo ATVSTP. Tại điểm gửi xe vào Công viên Thống Nhất tại phố Trần Nhân Tông, giá gửi xe máy cũng đã được nâng lên 5.000 đồng/xe... Các đoạn đường quanh Trung tâm Thương mại Vincom, Parkson biến thành bãi trông giữ xe. Giá trông xe máy và ô tô tại một số Trung tâm mua sắm bị đẩy lên là 10.000 -  30.000 đồng/xe máy, còn giá trông giữ ô tô cũng bị tăng gần gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Đi du lịch vẫn chưa thực sự được nghỉ ngơi

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều gia đình lại chọn đến các điểm du lịch như Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Sapa... Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, những điểm du lịch này lại có một năm "quá tải" khách du lịch, và nhiều dịch vụ như phòng nghỉ, ăn uống… tranh thủ tăng giá gấp rưỡi, thậm chí có nơi gấp 3 so với ngày thường.

Trong những ngày diễn ra Carnaval Hạ Long, theo ghi nhận tại cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy, trong ngày 30/4 đã có 21.400 khách tham quan Vịnh Hạ Long. Tại các khách sạn từ 1 - 2 sao cách bãi biển 300 - 500m, phòng 2 giường đơn, ngày thường chỉ 300.000 - 400.000 đồng/phòng, này nhân viên "hét" tới 1,5 triệu đồng, nếu 3 giường là 1,8 triệu đồng/ngày. Tại Đà Nẵng, trong kỳ nghỉ 30/4, người dân cả nước đổ về đây chiêm ngưỡng cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC 2012), phòng khách sạn loại 2 - 3 sao ven biển tăng từ 150 - 200% so với ngày thường, thậm chí giá thuê phòng lên đến 1,3 - 3 triệu đồng/phòng/ngày…

Không chỉ tăng giá phòng, du khách còn phải đối mặt với tình trạng "chặt chém" của nhiều dịch vụ khác.

Xem ra, việc "chặt, chém" du khách trong các kỳ nghỉ lễ, mùa du lịch vẫn là những "vấn nạn" đặt ra với ngành du lịch và các địa phương trong việc nâng cao chất lượng du lịch nội địa.