Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các doanh nghiệp bất bình khi chủ KCN Nam Tân Uyên đòi tăng giá và phí

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/7, lãnh đạo Công ty CP Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có buổi tiếp xúc với đại diện 35 doanh nghiệp đầu tư trong KCN để thông tin về kế hoạch, lộ trình tăng giá dịch vụ, phí cơ sở hạ tầng. Đại diện các doanh nghiệp đã không đồng ý.

Ông Hà Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên thông tin về kế hoạch điều chỉnh hợp đồng và lộ trình tăng giá, phí dịch vụ KCN Nam Tân Uyên.
Ông Hà Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên thông tin về kế hoạch điều chỉnh hợp đồng và lộ trình tăng giá, phí dịch vụ KCN Nam Tân Uyên.

Ông Hà Văn Bình, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên mở đầu buổi gặp mặt bằng việc thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực phục hồi sản xuất. Ông Bình không quên nhắc lại trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tìm kiếm hỗ trợ vaccine sớm nhất và đầy đủ cho người lao động, góp phần cùng các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả như vừa qua.

Ông Bình dẫn chứng: "Theo quy định của Pháp Lệnh ngoại hối năm 2013 quy định trong giao dịch, hợp đồng kinh tế phải chuyển đổi từ USD sang  tiền đồng Việt Nam (VNĐ). Nhân đây chủ đầu tư KCN thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng, cùng với điều chỉnh chi phí dịch vụ hạ tầng KCN, phí xử lý nước thải... Lộ trình tăng giá dịch vụ 10% sau mỗi 5 năm được điều chỉnh lại còn 3 năm…".

Doanh nghiệp, nhà đầu tư trong KCN không đồng ý với cách điều chỉnh hợp đồng và lộ trình tăng giá dịch vụ, phí cơ sở hạ tầng của chủ đầu tư KCN Nam Tân Uyên.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư trong KCN không đồng ý với cách điều chỉnh hợp đồng và lộ trình tăng giá dịch vụ, phí cơ sở hạ tầng của chủ đầu tư KCN Nam Tân Uyên.

Đại diện các doanh nghiệp đã thống nhất nội dung điều chỉnh hợp đồng (thuê đất, thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp) từ sử dụng USD trong hợp đồng sang sử dụng VNĐ là đúng đắn. Nhưng các doanh nghiệp đều không đồng tình với kế hoạch tăng giá, tăng phí dịch vụ của chủ đầu tư KCN vì nhiều lý do, cụ thể: Thời điểm không thích hợp; hiện tại nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn do mất đơn hàng; doanh nghiệp phải giảm ca, dồn ca để giữ chân người lao động; nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, trả lại nhà xưởng...

"Doanh nghiệp chọn vào hoạt động trong KCN là chọn văn hóa đồng hành, sống chết có nhau. Hợp đồng kinh tế (thuê đất, thuê nhà xưởng) là cơ sở pháp lý để điều chỉnh mọi hoạt động liên quan sau đó. Nhưng chủ đầu tư không tôn trọng khách hàng, phát hành văn bản mang tính áp đặt khách hàng phải thực hiện theo ý muốn của mình" - đại diện một doanh nghiệp nói.

Cũng theo các doanh nghiệp, phí hạ tầng, phí xử lý nước thải là chi phí chính đáng mà tất cả doanh nghiệp đều phải trả vì doanh nghiệp được thụ hưởng. Nhưng tiền phí của doanh nghiệp đóng góp không được chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích yêu cầu. Dẫn đến thực tế, KCN đã 3 lần mở rộng nhưng hệ thống nước thải vẫn như cũ. Mưa lớn nước tràn từ cống lên ngập hết nhà xưởng, làm hư hỏng máy móc, hàng hóa của doanh nghiệp. Chưa kể cơ sở hạ tầng khu mở rộng thì tạm bợ, không có cổng chào, không bảo vệ tuần tra hỗ trợ khi cần thiết, công nhân làm đêm về thì đường thiếu đèn chiếu sáng...

Trước phản ứng bất bình của tất cả doanh nghiệp có mặt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên hứa sẽ tiếp thu, báo cáo về trên; vì Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.