Tận dụng các hiệp định thương mại
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) Chủ tịch Alain Cany cho rằng, việc triển khai tiêm phủ vaccine nhanh chóng và đầy quyết tâm của Chính phủ, cùng với nỗ lực không mệt mỏi và dũng cảm của các chuyên gia y tế tuyến đầu đã giúp Việt Nam dần mở cửa trở lại. Lãnh đạo các doanh nghiệp đã đưa ra những tín hiệu lạc quan, tự tin đối với môi trường thương mại và đầu tư “bình thường mới” của Việt Nam, thể hiện qua Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) - một ''phong vũ biểu'' hàng quý của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - đã tăng từ 42 lên 61 điểm vào tháng 1/2022.
Trong bối cảnh đó, năm 2021 cũng đánh dấu tròn 1 năm thực hiện Hiệp định EVFTA. Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này vào thời điểm hoàn thành sẽ loại bỏ gần như 99% số dòng thuế. Ngay cả trong thời điểm xảy ra đại dịch trên quy mô toàn cầu, EVFTA đã hiện thực hoá được các kỳ vọng của 2 bên. Trong năm 2021, thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã tăng 14,8%, đạt khoảng 63,6 tỷ USD.
Với EVFTA đã có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.
“Do đó, chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành, sửa đổi và đơn giản hóa một số quy định để phù hợp với các điều khoản của EVFTA”- Chủ tịch EuroCham Alain Cany nói. Đồng thời kiến nghị, Việt Nam cần thúc đẩy các quy trình kỹ thuật số hiệu quả để trao đổi hàng hóa và dịch vụ quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp kỹ thuật số châu Âu và toàn cầu, cũng như sự hội nhập của họ với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) Kim Han-yong cho hay, bước vào năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực RCEP, hiệp định FTA lớn nhất thế giới bao gồm cả Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức có hiệu lực. Sau khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành trung tâm của thương mại Đông Nam Á, Châu Đại Dương và quan hệ thương mại với Việt Nam - một đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc - sẽ được tăng cường hơn nữa trong tương lai. “Chúng tôi hy vọng rằng, những thủ tục liên quan như mẫu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, phương thức cấp, chứng nhận nhà xuất khẩu hay thủ tục áp dụng thuế suất nhập khẩu RCEP sẽ sớm được thực hiện” – đại diện KoCham nói.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) thì cho rằng, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, công nghệ tài chính fintech, công nghệ giáo dục edtech, nền kinh tế sáng tạo - và những thay đổi về hành vi trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy sự tăng trưởng. Các công ty thành viên của AmCham rất mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời thúc đẩy thế hệ khởi nghiệp công nghệ mới nhằm hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam về Nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 25% GDP vào năm 2025.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Đại diện AmCham bày tỏ, Việt Nam đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đại dịch đã nêu bật tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng để duy trì tăng trưởng kinh tế và chuỗi cung ứng linh hoạt. Các thành viên của AmCham đánh giá cao những khoản đầu tư mà Việt Nam đang thực hiện để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, bao gồm cảng, sân bay, đường bộ và cầu. Cơ sở hạ tầng và năng lượng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững ở Việt Nam.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) Kim Han-yong kiến nghị, do sự phát triển của các lĩnh vực logistic và thương mại điện tử cũng như quá trình chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, các khoản đầu tư vào dịch vụ kho bãi và trung tâm hoàn thiện đơn hàng để hỗ trợ các lĩnh vực này cũng đang tăng lên. Và một trong những thách thức mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt là tìm được địa điểm thích hợp cho những doanh nghiệp như vậy. Để giải quyết vấn đề này, đất, địa điểm (dù trong hay ngoài khu công nghiệp) có thể được quy hoạch lại để phục vụ cho những mục đích nêu trên.
Xem xét nới room tín dụng
Nhóm công tác Ngân hàng VBF đánh giá cao Chính phủ Việt Nam và NHNN Việt Nam trong việc kiểm soát làn sóng Covid-19 lần 4, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh, đạt được GDP cả năm tăng 2,58%, duy trì vị thế tốt thu hút FDI và kỳ vọng kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022.
Chính sách của Chính phủ và NHNN về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, miễn giảm phí, lãi ngân hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua Nghị quyết 63/NQ-CP, Thông tư 03 và 14/2021/TT-NHNN, và các giải pháp về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp – cá nhân – giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được đưa ra trong Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.
Nhóm công tác đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) khi cần thiết. Ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) cho phép áp dụng các sản phẩm quản lý dòng tiền – kết chuyển tiền mặt hữu hình tại Việt Nam. Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, có cơ chế phân cấp chia sẻ thông tin, cho phép ngành ngân hàng được kết nối và khai thác thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.
“Chúng tôi cam kết đồng hành, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng ngành ngân hàng vững mạnh và cải thiện môi trường đầu tư, để Việt Nam tăng khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng khẳng định vị trí là điểm đến yêu thích trong khu vực của các nhà đầu tư nước ngoài - khu vực kinh tế đang đóng vai trò quan trọng trong tiềm năng phát triển kinh tế”- ông Dominic Scriven - Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn VBF bày tỏ.
Bà Amy Luinstra - Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao của IFC nhấn mạnh những kết quả rất tích cực của Việt Nam trong năm 2021 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh và đạt kỷ lục, xuất siêu gần 4 tỷ USD, môi trường đầu tư trong nước được cải thiện đáng kể, những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh… Nêu những thách thức của Việt Nam trong năm 2022, bà bày tỏ tin tưởng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao đáng kể khả năng chống chịu, tăng trưởng xanh hơn, đổi mới hơn, bao trùm hơn.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội nghị là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Sau khi lắng nghe ý kiến đại diện doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ phát biểu trước khi bế mạc diễn đàn.