Các doanh nghiệp và vốn “tín dụng đen”: Cực chẳng đã mới phải vay

Chia sẻ Zalo

KTTĐT - Đã có 49.000 doanh nghiệp (DN) dừng hoạt động và giải thể trong 9 tháng đầu năm 2011. Con số do Bộ KH & ĐT công bố cho thấy sức khỏe của cộng đồng DN đang theo chiều hướng đi xuống. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Vì đâu nên nỗi?

Theo kết quả trên, số DN giải thể và ngừng hoạt động đã tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra nếu mỗi DN có bình quân 10 lao động thì 49.000 DN đóng cửa đồng nghĩa với việc có gần nửa triệu lao động bị mất việc từ đầu năm đến nay.

Cho đến thời điểm này, ngoài những nguyên nhân khách quan khiến DN điêu đứng thì lãi suất cao vẫn là nguyên nhân chính. Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội  Bùi Văn Quân cho biết, lãi suất đã bắt đầu giảm nhưng dường như chỉ giảm trên "báo cáo", tình hình vay vốn vẫn chưa được cải thiện khi phần lớn các DN nhỏ và vừa vẫn chưa thể tiếp cận được vốn ngân hàng.

Chủ một DN sản xuất hàng mây tre đan ở Hòa Bình than thở, chỉ thiếu 200 triệu đồng để đóng nốt lô hàng xuất khẩu sang Nga nhưng hỏi vay ngân hàng nào cũng bị khước từ. Vì không muốn giao hàng sai hẹn nên DN buộc phải vay ngoài với lãi suất 120%/năm. Lãi suất tuy "khủng" 10%/tháng nhưng bù lại thủ tục cho vay nhanh gọn hơn nhiều. Giám đốc một công ty may mặc tại Đức Giang, Hà Nội lại "rùng mình" khi nhớ lại khoản vay nóng hơn 100 triệu đồng với lãi suất lên tới 4.500 đồng/triệu/ngày (tương ứng 13,5%/tháng). Ông này cho biết, các quĩ "tín dụng đen" tuy hoạt động ngấm ngầm nhưng rất sôi động. Không quá khó để tìm được một địa chỉ cho vay nóng, vào mạng, đọc các mục rao vặt, thậm chí một vài cán bộ ngân hàng đã trở thành "cò" tín dụng, người môi giới trung gian "giúp" DN vay vốn "chợ đen".

Dễ vay, khó trả

DN tìm đến "tín dụng đen" thường là giải pháp cuối cùng sau khi đã tìm đủ cách từ huy động người thân, bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, trái phiếu…. Tuy nhiên, để bán được cổ phiếu, trái phiếu, DN phải minh bạch được tài chính, thông tin, sổ sách và chứng từ đầy đủ, kế hoạch kinh doanh, dự án khả thi cao. Những yêu cầu này rất khắt khe nên rất ít DN Việt Nam đáp ứng được. Song hiếm chứ không phải không có những DN làm được. Tháng 5/2011, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai huy động thành công 90 triệu trái phiếu quốc tế; Ngân hàng An Bình với cả hai lần thành công trong việc bán cổ phiếu cho nước ngoài để tăng vốn thành công trong thời kỳ kinh tế suy thoái… là những ví dụ về những DN Việt Nam nhạy bén, biết "gọi vốn" ngoài ngân hàng một cách an toàn. Tình hình kinh tế trong 2 - 3 năm tới được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam dự báo là sẽ còn nhiều khó khăn, các DN cần có sự tính toán lâu dài cho bài  toán vốn, đừng mạo hiểm tìm đến "tín dụng đen" để rồi nợ chồng nợ, hệ lụy khôn lường...