Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các dự án nghìn tỷ đầu tư mạnh nhưng lỗ lớn và liên tục xin ưu đãi

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù được đầu tư hoành tráng lên tới hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước nhưng không thiếu các dự án càng làm càng lỗ và việc liên tục xin ưu đãi dường như là một thói quen.

2015 - 2016 được xem là giai đoạn có nhiều dự án nghìn tỷ buộc phải thừa nhận tình trạng làm ăn thua lỗ và có khả năng dẫn tới phá sản nhất. Trong đó, chiếm hầu hết là các dự án của DN trực thuộc Bộ Công thương. Điểm chung của các dự án này là đều xem việc xin ưu đãi từ "cấp trên" là cứu cánh duy nhất để thoát khỏi thực trạng thảm hại ở thời điểm hiện tại.

Gang thép Thái Nguyên: Gần 10 năm vẫn "đắp chiếu"

Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chính thức được khởi công từ năm 2007 với tổng mức đầu tư là hơn 3.800 tỷ đồng. Nhưng những năm tiếp sau đó, dự án này liên tục bị chậm tiến độ do thiếu vốn và các rắc rối đối với nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). 

 
Các dự án nghìn tỷ đầu tư mạnh nhưng lỗ lớn và liên tục xin ưu đãi - Ảnh 1

Tới năm 2013, dự án trên đã được Chính phủ đồng ý nâng tổng mức đầu tư lên lên 8.104 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với ban đầu, tới năm 2016 con số này lại nhảy lên 1 bậc nữa khi được điều chỉnh thành 9.031 tỷ đồng. Đến năm 2015, hàng loạt các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng VDB và Vietinbank cùng Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lần lượt bổ xung thêm vào số vốn lên tới hơn 3.400 tỷ đồng. Tuy nhiên do chưa nhận được vốn vay bổ sung nên cho đến nay dự án vẫn trong tình trạng "đắp chiếu".

Đồng thời, từ năm 2012 khi dự án gặp khó khăn về tài chính, nhà thầu MCC đã rút về nước và mang theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị nhưng chưa bàn giao lại các hạng mục quan trọng cho TISCO. Không những thế MCC yêu cầu TISCO chi trả gần 4,4 triệu USD cho việc kéo dài thời gian dự án và 53 triệu USD cho các chi phí khác.

Bế tắc trong việc tiếp tục thực hiện dự án mở rộng, vào tháng 4/2016 vừa qua, TISCO đã kiến nghị lên Thủ tướng xin hàng loạt các ưu đãi như miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu, không tính phần thuế VAT, miễn giảm chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động. Tổng giá trị ưu đãi này vào khoảng 1.159 tỷ đồng.

Vào tháng 5/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công thương thành lập tổ công tác và thuê tư vấn độc lập nhằm đánh giá toàn diện dự án. Trong đó yêu cầu phải đưa ra được phương án bán dự án và phương án kêu gọi DN góp vốn đầu tư dự án. Tới hiện tại mọi việc vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ: Sản phẩm làm ra nhưng không bán được

Với tổng mức đầu tư lên đến hơn 7.000 tỷ đồng, nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của chủ đầu tư là Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ cung cấp nguyên liệu nhằm thay thế nhập khẩu cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Nhưng trên thực tế, không chỉ gặp trục trặc ngay từ quá trình xây dựng, giai đoạn hoạt động của nhà máy này cũng để lại những dấu ấn buồn như làm ăn thua lỗ, 3 lần phải dừng hoạt động.

 
Các dự án nghìn tỷ đầu tư mạnh nhưng lỗ lớn và liên tục xin ưu đãi - Ảnh 2

Nếu theo đúng tiến độ nhà máy phải được nghiệm thu từ tháng 8/2011 nhưng do nhiều lý do phải tới 2 năm sau, vào tháng 8/2013, việc này mới được thực hiện. Tuy nhiên ngay sau khi nghiệm thu xong, nhà máy đã phải ngừng hoạt động nhằm đợi vốn lưu động cho vận hành thương mại. Và tới 9 tháng sau, tới đầu tháng 6/2014, nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ mới chính thức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên ngay trong năm đầu tiên nhà máy hoạt động (2014), PVTex đã bị lỗ 1.085 tỷ đồng, tới cuối năm 2015, con số này đã vào khoảng 1.255 tỷ đồng. Tính trung bình, với mỗi tấn sản phẩm xơ sợi bán ra PVTex sẽ lỗ khoảng hơn 3 triệu đồng. Do đó, từ tháng 9/2015 đến nay nhà máy đã phải thêm 2 lần ngừng hoạt động.

Không chỉ giá nguyên liệu xơ sợi trên thế giới đang có đà giảm mạnh cùng sức cạnh tranh từ Trung Quốc và Thái Lan ngày càng tăng, chính những tính toán không hợp lý từ lúc bắt đầu triển khai dự án khác xa với thực tế cũng là nguyên nhân chính khiến nhà máy này đang cận kề bở vực phá sản.

Nhằm giải cứu dự án nghìn tỷ này, Bộ Công thương đã có kiến nghị lên Chính phủ và được chấp thuận về việc tăng thuế sản phẩm xơ polyester lên 2% để hỗ trợ PVTEX tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các Tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xơ sợi và dệt may, các Hiệp hội Bông sợi, Hiệp hội dệt may Việt Nam ưu tiên mua sản phẩm xơ sợi của PVTex để tháo gỡ khó khăn. 

Tuy nhiên cho đến nay, tình hình của nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ vẫn không mấy khả quan. Mới đây, lãnh đạo DN của PVTex cũng đã thẳng thắn thừa nhận tình hình tài chính của DN mình đang cạn kiệt, mất cân đối và không đủ nguồn vốn lưu động để vận hành nhà máy, không có khả năng thanh toán chi tiêu tối thiểu và nợ đến hạn. 

Nhà máy Đạm Ninh Bình: Càng làm càng lỗ

Nhà máy Đạm Ninh Bình là dự án mới nhất của một DN thuộc Bộ Công thương phải cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ nhằm có những ưu đãi để thoát khỏi tình cảnh hoạt động khó khăn. Mặc dù được đầu tư "khủng" lên đến 667 triệu USD cũng thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng nhưng từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, nhà máy này lại liên tục làm ăn thua lỗ. 

 
Các dự án nghìn tỷ đầu tư mạnh nhưng lỗ lớn và liên tục xin ưu đãi - Ảnh 3

Hoạt động chính thức từ năm 2012, từ đó đến nay, không một năm nào Đạm Ninh Bình không lỗ, riêng 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị này đã lỗ khoảng 457 tỷ đồng. Luỹ kế từ 2012 đến hiện tại, Đạm Ninh Bình đã lỗ lũy kế 2.693 tỷ đồng. Không những thế, Đạm Ninh Bình đang phải chịu lãi vay rất lớn, số tiền phải trả mỗi năm cao, riêng trong năm 2016 dự kiến phải trả là 563 tỷ đồng. Tổng số các khoản nợ tính đến cuối năm 2015 của Đạm Ninh Bình đã vượt 8.300 tỷ đồng. 

Tình hình kinh doanh thảm hại khiến trong 7 tháng đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình đã phải thu hẹp sản xuất, chỉ chạy máy được 76 ngày và duy trì ở phụ tải thấp, tồn kho cao và tiêu thụ khó khăn, dự kiến lỗ tiếp tục tăng và đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền.

Để tháo gỡ tình cảnh này, UBND tỉnh Ninh Bình đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép Đạm Ninh Bình được áp dụng chính sách trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá sau giai đoạn đầu tư đối với các khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ theo nghĩa vụ nợ phát sinh trong kỳ trong trường hợp tỷ giá có biến động. Đồng thời được dãn thời gian trả nợ tối thiểu là 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn đầu tư cho dự án.

Bên cạnh đó Ninh Bình cũng xin Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Ure nhằm giúp hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong trong thời gian qua và cũng là nguyên nhân trực tiếp gây lỗ lớn cho Đạm Ninh Bình.

Trước đó, trong văn bản gửi lên tỉnh Ninh Bình, Đạm Ninh Bình đã kiến nghị cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành vốn góp nhà nước tại Tập đoàn để giảm hệ số lãi vay. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét đưa phân bón ure vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra với mức thuế suất 0%.