Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các dự án sản xuất giống cây trồng: Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng qua (10/8), Bộ NN&PTNT tổ chức tổng kết các dự án giống cây trồng giai đoạn 2006 - 2010. Theo đánh giá, dù số tiền đầu tư cho các dự án tương đối lớn, song đến nay kết quả thu được còn rất hạn chế.

Triển khai Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chương trình giống giai đoạn 2006 - 2010, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 19 dự án giống cây trồng và giao cho Cục Trồng trọt làm chủ đầu tư. Qua 5 năm triển khai, đã có 16 dự án hoàn thành, trong đó xây dựng và hoàn thiện 120 qui trình công nghệ nhân giống lúa, ngô, chè, rau, cây ăn quả… Theo đánh giá, các giống mới cho năng suất cao hơn giống cũ từ 10 - 15%.
 
Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật (giống được xác nhận) vào sản xuất ở một số loại cây trồng chủ lực còn thấp. Đơn cử như giống cây ăn quả, mía, dứa, chè mới chỉ đạt 45%; giống lúa mới ở ĐBSCL chỉ chiếm 35 - 40%; các loại giống lúa thuần, rau, lạc đậu tương, cà phê chiếm khoảng 60%... Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết thêm, công nghệ sản xuất giống của chúng ta vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo năng lực sấy, bảo quản sản phẩm. Hơn nữa, chất lượng của một số lô giống chưa phù hợp với tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật.
 
Một vấn đề đáng lo ngại là số tiền đầu tư cho các dự án tương đối lớn nhưng hiệu quả thu hồi về còn rất thấp. Cụ thể như dự án phát triển giống lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng có tổng mức đầu tư hơn 28 tỉ đồng nhưng số lượng giống bán ra thu hồi sản phẩm chỉ đạt hơn 1,2 tỉ đồng; dự án rau đầu tư 13,8 tỉ nhưng chỉ thu hồi trên 475 triệu đồng… "Tổng số vốn đầu tư cho các dự án trong 5 năm qua đạt 268 tỉ đồng nhưng số tiền bán giống thu về mới đạt 16 tỉ đồng. Như vậy, tính ra giá thành giống của Việt Nam ở mức siêu đắt" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng lo ngại. Ông Bổng cho biết thêm, việc sản xuất giống gồm hai bộ phận nghiên cứu chọn tạo và nhân giống. Tuy nhiên, 10 năm nay chúng ta vẫn chỉ nghiêng về nghiên cứu mà không quan tâm đến việc nhân giống, đưa vào sản xuất đại trà. Do đó, sản lượng giống sản xuất ra trong nước còn quá ít, chỉ như "muối bỏ bể".
 
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ NN&PTNT đã có quyết định cho phép lập 22 dự án đầu tư giống cây trồng. Tính đến hết 30/7/2011, Bộ đã phê duyệt 11 dự án với tổng số vốn 670 tỉ đồng. Thứ trưởngBùi Bá Bổng nhấn mạnh: Thời gian qua, các đơn vị đã sử dụng quá nhiều nguồn vốn cho xây dựng cơ bản, mô hình trình diễn, đi học tập nước ngoài… mà xem nhẹ việc nhân giống. Do đó, tới đây, Bộ sẽ điều chỉnh theo hướng, đơn vị nhân giống ở mức nào đầu tư ở mức đó, không đầu tư dàn trải.