Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các dự án thiết chế văn hóa chậm triển khai: Bao giờ hoàn thành?

Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 25/4, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Hà Nội.

Mở đầu phiên giải trình, đặt câu hỏi với  lãnh đạo Sở VH&TT, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các ĐB Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm), Trần Hợp Dũng (tổ Thanh Trì), Nguyễn Quang Thắng (tổ Long Biên), Nguyễn Minh Tuân (tổ Phú Xuyên) đề nghị làm rõ về tiến độ thực hiện Dự án bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 triển khai xây dựng 8 năm vẫn chưa hoàn thành; nguyên nhân của việc chậm tiến độ này và khi nào thì được đưa vào khai thác? Nhà văn hóa số 8 Hàng Bún (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) xuống cấp; nhà văn hóa tổ dân phố số 3 (phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây) cũng chung thực trạng, không có nơi sinh hoạt; đề nghị lãnh đạo các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm? Dự án Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa được phê duyệt từ 2001, đến nay hơn 20 năm vẫn chậm triển khai, nguyên nhân, kế hoạch thực hiện dự án?

ĐB Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi tại phiên giải trình
ĐB Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi tại phiên giải trình

Dự án Bảo tàng Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2024

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho biết: Dự án Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng số kinh phí là trên 2.300 tỷ đồng. Năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế. Đây là công đoạn cần nhiều có sự vào cuộc của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử nên mất nhiều thời gian.

ĐB Nguyễn Minh Tuân (tổ Phú Xuyên) đặt câu hỏi tại phiên giải trình
ĐB Nguyễn Minh Tuân (tổ Phú Xuyên) đặt câu hỏi tại phiên giải trình

Theo Giám đốc Sở VH&TT, UBND TP đã thành lập hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, TP đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê, cho tới năm 2020, UBND TP phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, trong những năm qua, chủ đầu tư cũng thay đổi.

“Khi tiếp cận với công việc này, Sở đã rà soát lại Dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều cấp, ngành. Ngoài hiện vật của Hà Nội đã sưu tầm thì trang thiết bị và công nghệ để thể hiện các hiện vật này cũng rất quan trọng cần sự tư vấn của các chuyên gia của Nhật, Pháp. Thời điểm dịch Covid-19, Sở đã cố gắng trao đổi với các chuyên gia, đến nay cơ bản được 65% thiết kế thi công. Riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng vào ngày 31/3. Sau khi thanh tra xong sẽ báo cáo UBND phê duyệt điều chỉnh dự án này” - Giám đốc Sở VH&TT thông tin.

Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho biết: Dự án Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng số kinh phí là trên 2.300 tỷ đồng
Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho biết: Dự án Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng số kinh phí là trên 2.300 tỷ đồng

Ngoài các nguyên nhân khách quan trên, Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở VH&TT. Dự án này rất khó, trải qua nhiều công đoạn, nên Sở đã báo cáo UBND TP thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cho BQL Dự án bảo tàng, trực tiếp Giám đốc Sở VH&TT làm tổ trưởng với sự tham gia của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT... Dự kiến trong tháng 5 tới, Sở Xây dựng sẽ thẩm định trong phần thiết kế kỹ thuật, báo cáo UBND TP phê duyệt lại các nội dung có liên quan. Cuối tháng 8 sẽ trình hoàn thiện xây dựng thiết kế thi công, cuối tháng 9 thực hiện dự án thiết kế.

“Chúng tôi quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này. Cố gắng nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu” - Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng thông tin.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định giải trình
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định giải trình

Vướng mắc GPMB tại Dự án Công viên Văn hóa Thể thao Đống Đa

Liên quan đến Dự án Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, dự án từ năm 1998, có quyết định thu hồi đất tại 3 phường, trong quá trình GPMB đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9.000m2 và khoảng 10.000m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi GPMB, quận đã sử dụng một một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học…

Năm 2007, TP có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng công viên văn hóa, tuy nhiên từ đó đến nay chưa thực hiện. Khó khăn vướng mắc chính là về GPMB, vướng mắc về chế độ chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thoả đáng. Năm 2019, quận đã có 2 văn bản báo cáo Sở QHKT để báo cáo UBND TP về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Năm 2021, TP đã có văn bản giao Sở QHKT chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án.

“Quận đã cung cấp số liệu dân cư, hiện trạng cho Sở QHKT, trong thời gian tới quận sẽ tiếp tục phối hợp với Sở thực hiện” - Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Dự án Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa đã có khoảng 20 năm nhưng chưa triển khai, về bản chất có thể thấy khó khăn vướng mắc lớn nhất là công tác GPMB
Theo Phó Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Dự án Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa đã có khoảng 20 năm nhưng chưa triển khai, về bản chất có thể thấy khó khăn vướng mắc lớn nhất là công tác GPMB

Theo Phó Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Dự án Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa đã có khoảng 20 năm nhưng chưa triển khai, về bản chất có thể thấy khó khăn vướng mắc lớn nhất là công tác GPMB. Với quỹ đất 8,5 ha của giai đoạn 1 của công viên, việc GPMB mới triển khai được 1,9 ha. Đây là vướng mắc giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai vừa qua. Năm 2017, TP đã giao cho chủ đầu tư là BRG, tuy nhiên vì vướng mắc GPMB mà dự án chưa triển khai.

Năm 2021, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và UBND TP, Sở QHKT cùng 2 quận: Ba Đình và Đống Đa đã tổ chức rà soát một số dự án đã triển khai giai đoạn 1, trong đó có bãi đỗ xe Thái Hà, trường mầm non, trung tâm chiếu phim Quốc gia. Các bên cũng đang tập trung hoạch định lại phạm vi ranh giới dự án.

Riêng vấn đề GPMB, tới đây quận Đống Đa và Ba Đình cần có pháp lý đối với các hộ dân sử đụng đất hiện nay đang trong khu vực công viên để Sở có rà soát về ranh giới mới. Sở QHKT và Viện Quy hoạch xây dựng sẽ có kiến nghị với TP về ranh giới mới của dự án.

Theo Phó Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trọng Kỳ Anh, nếu 2 quận đáp ứng được tiến độ rà soát dự án thì Sở QHKT trong nửa đầu năm 2022 sẽ trình UBND TP về phương án điều chỉnh Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh giải trình
Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh giải trình

Liên quan đến vấn đề đại biểu hỏi, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh giải trình, qua rà soát thì lý do nhà văn hóa Tổ dân phố 3 phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây) xây dựng lại chậm, do vướng mắc có một hộ dân lấn chiếm đất đai. UBND thị xã đã làm việc với UBND phường Quang Trung và giao đến hết tháng 6/2022, UBND phường phải phân định ranh giới, thu hồi 20m đất để thực hiện xây dựng nhà văn hóa, hoàn thành đưa vào hoạt động.

Về thực trạng nhà sinh hoạt cộng đồng số 8 (phố Hàng Bún, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình), Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin, nhà  sinh hoạt cộng đồng Tổ dân phố số 2 (tầng 1) tại số 8 phố Hàng Bún, UBND phường đã được cấp sổ đỏ; tầng 2 là nhà dân cũng đã được cấp sổ đỏ.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến giải trình
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến giải trình

Nhà sinh hoạt cộng đồng tại đây thuộc dạng nhà biệt thự cổ, được xây dựng lâu năm, cơ sở hạ tầng của nhà sinh hoạt cộng đồng đã xuống cấp. Năm 2018, UBND phường và địa bàn dân cư đã cải tạo sửa lại trần nhà từ nguồn vốn xã hội hóa trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc cải tạo chỉ đáp ứng được việc chống dột tại nhà sinh hoạt.

UBND phường đã giao cho Tổ dân phố số 2 chịu trách nhiệm sử dụng và quản lý nhà sinh hoạt cộng đồng đúng mục đích và quy định. Hiện nay, UBND phường đã đề xuất với UBND quận đưa vào công trình cải tạo trong năm 2022. Phòng Quản lý Đô thị quận đã lập danh sách khảo sát để đưa vào kế hoạch bảo trì năm 2022.