Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các hàng bia hơi đông khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau một thời gian dài nghỉ ngơi chơi Tết ở nhà, quá ê hề với các món sơn hào hải vị, nhiều người thèm đến nao lòng cái vị thơm, nhẹ và phảng phất mùi hương hupblon của bia hơi.

KTĐT - Sau một thời gian dài nghỉ ngơi chơi Tết ở nhà, quá ê hề với các món sơn hào hải vị, nhiều người thèm đến nao lòng cái vị thơm, nhẹ và phảng phất mùi hương hupblon của bia hơi.

Sau Tết, nhiều cửa hàng bia hơi đồng loạt mở cửa. Sau đợt nghỉ Tết dài ngày, dân ghiền phải xài bia lon, rượu nặng, bia chai nên thấy "nhớ bia hơi da diết”, “háo bia hơi kinh khủng”. Mở hàng khai xuân, trung bình một quán bia bán được 7.500 lít mỗi ngày, siêu lợi nhuận từ việc bán bia hơi lên tới cả trăm triệu đồng.

Một quán bia hơi tiêu thụ 7.500 lít mỗi ngày

Sau một thời gian dài nghỉ ngơi chơi Tết ở nhà, quá ê hề với các món sơn hào hải vị, nhiều người thèm đến nao lòng cái vị thơm, nhẹ và phảng phất mùi hương hupblon của bia hơi. Cũng vì thế, những ''địa danh'' đã gắn với ''văn hoá bia hơi'' Hà Nội như Ngọc Hà, Lê Duẩn, Giảng Võ, Lê Hồng Phong, Gia Lâm, Tăng Bạt Hổ, Núi Trúc, Nguyễn Chí Thanh... từ 9 – 10 giờ sáng đã đông kín người, tới 12 giờ trưa, các bãi đỗ xe chật ních. Nhiều chủ cửa hàng bia hơi phải xua tay, xin lỗi khách ra về vì không còn chỗ ngồi để uống.

Giờ cao điểm của bia hơi là sau khi các cơ quan tan giờ làm, 5 – 6 giờ được coi là thời điểm “nóng” của hầu hết các cửa hàng bia hơi. Không khí ồn ào, nhộn nhịp đông đúc, các nhân viên tất bật chạy bàn hết công suất.

Theo anh Hà, người trông giữ xe của quán bia hơi Hà Nội tại 19C Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội): Ra Tết, số lượng khách tăng lên đáng kể. Nếu thời tiết cứ nắng đều như thế này, khuôn viên quán với trên 500 chỗ ngồi sẽ chật ních người. Mỗi buổi, bãi giữ xe của anh nhận tới 400 chiếc xe máy, chưa kể mấy chục chiếc ô tô con đang nối dài ngoài sân.

Cảnh đông đúc xôm tụ này cũng bắt gặp ở nhiều địa điểm khác. 21h20 phút ngày 24/02/2010, tại quán bia hơi Hải Xồm, 86 Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi chuyên bán bia hơi Hà Nội, bãi giữ xe được chia thành nhiều hàng xe, ngang – dọc khác nhau. 10 dãy xe dài san sát. Mặc dù khuôn viên sân khá rộng nhưng vào thời điểm này, việc sắp xếp bố trí xe dường như cũng trở nên khó khăn, nan giải đối với người trông xe.
 
Anh Trúc Bá Vương, người trông xe cũng phải thừa nhận: “Đúng là trong các khu ăn uống không nơi nào đông như quán bia hơi. Có ngày 500 vé xe đã in sẵn cũng hết sạch, cửa hàng in và đóng dấu không kịp, lúc ấy đành phải dùng trí nhớ và kí hiệu riêng thôi. Xe nhiều tới mức ghi mỏi tay, nhiều lúc cũng chẳng buồn ghi nữa”.

Khi được hỏi tại sao lại chọn quán bia hơi mà không phải nhà hàng, anh Hoàng Anh Thái (một doanh nhân tại Cầu Giấy, Hà Nội) cắt nghĩa: “Ra Tết, nếu có tới nhà hàng thì chỉ vì mấy phi vụ thương thuyết kinh doanh, mà đầu xuân năm mới, mấy ai đã bắt tay vào làm ăn”.

Anh Thái vui vẻ kể: Mấy anh em trong cơ quan tôi quen mật khẩu, cứ ới nhau là biết ngay tới quán bia, trung bình 1-2 lần một ngày, không uống lúc trưa thì kiểu gì chiều cũng phải mò ra quán. Mọi người cứ thay nhau, nay người này mời, mai người kia đáp trả, gọi là “có đi có lại”. Một tuần có 7 ngày thì tới 6 ngày, tôi đi uống bia. Nó như một thói quen không thể bỏ. Kiểu gì ngày nào cũng phải có một hớp bia trong người thì mới yên."

Lý giải cho việc sau Tết, nhiều người đổ xô đi uống bia hơi, một khách hàng quen thuộc của quán bia Lan Chín (1A Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Triều (Nhân viên công ty Cổ phần Tư vấn Truyền thông Quốc tế IMJ) đã làm phép so sánh: “Nói thế nào thì nói, bia hơi vẫn thơm và ngon hơn bia chai, nó là một sản phẩm tươi sống nên uống đến đâu cảm nhận được sự tươi mát đến đó, tạo nên một hương vị khác biệt, một cảm giác sảng khoái khó tả - không thể có được khi uống bia chai. Cũng giống như khi bạn uống một cốc sữa tươi, khác hơn nhiều một cốc sữa hộp”.

Nhiều người đến quán bia hơi còn bởi không khí rôm rả, hò “zô”, không gian thoải mái, thoáng đãng, rộng rãi của nhà hàng. Sau Tết, dân nhậu chuyên nghiệp nghiệm ra rằng: Dù có thể mua bia hơi về nhà uống nhưng cũng không “khoái” bằng việc nhâm nhi cùng anh em bạn hữu ngay tại quán.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Bia Hà Nội – nơi chuyên cung ứng toàn bộ sản phẩm bia hơi Hà Nội cho các đại lý trong địa bàn thành phố cho biết: “Nếu như trong Tết, thời tiết lạnh, nhiều đại lý bia đóng cửa, lượng bia tiêu thụ không cao, trung bình từ 20 – 30.000 lít/ngày thì ngay sau khi các cửa hàng bia bắt đầu làm việc trở lại, lượng bia tiêu thụ tăng lên từ 60 – 70.000 lít mỗi ngày. Từ hôm nay trở đi (ngày 24/02), nếu thời tiết cứ nóng lên, lượng bia tiêu thụ sẽ tăng cao hơn nữa, lên tới 90 – 100.000 lít/ngày”.

Cũng theo ông Hùng, trên thực tế, tại địa bàn Hà Nội, thương hiệu "bia hơi Hà Nội" chiếm thị phần khoảng 80%. Các đại lý là khách hàng “ruột” của Habeco Trading như Hải Xồm, Lan Chín, anh Bình 19C Ngọc Hà, anh Cường 1C Bắc Sơn,… luôn nhập hàng với khối lượng lớn, lượng tiêu thụ khoảng 100 – 150 keg loại 50 lít.

Những ngày đầu năm mở hàng, nhà máy bia Việt Hà (254 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đạt sản lượng 39.000 lít/ngày (thống kê ngày mùng 6 Tết) nhưng chỉ sau mấy hôm, lượng tiêu thụ đã tăng lên rõ rệt: 45.000 lít/ngày (theo thống kê ngày mùng 9 Tết).

Ông Ngô Hồng Minh, Phó Giám đốc nhà máy cho biết: “Dự kiến, mấy ngày tới sẽ tăng lên con số 60 – 70.000 lít/ngày. Trong thời gian mùa hè, nhà máy ước tính bán ra khoảng 250 – 270.000 lít/ngày (bao gồm cả địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh)".

“Siêu” lợi nhuận từ việc bán bia


“Ăn theo” bia hơi Hà Nội, một số chủ cửa hàng đã khẳng định được thương hiệu và thu được món lợi tếch xù từ việc buôn bán bia hơi. Chỉ làm một phép tính đơn giản: một lít bia hơi Hà Nội, công ty CP Thương mại Bia Hà Nội giao trực tiếp cho nhà hàng, đại lý với giá gốc 8.000 đồng, nhà hàng bán ra với giá 18.000 đồng (giá bán lẻ: 6.000 đồng/ 1 cốc, 1 lít = 3 cốc bia) thì thấy có nhà hàng lãi gần trăm triệu đồng mỗi ngày. Đó là chưa kể đến các món nhậu cũng đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ.

Theo đại diện của ban quản lý nhà hàng Habeco Trading, số 183 Hoàng Hoa Thám (Đống Đa, Hà Nội) ngày đông nhất có khi bán được tới 10 - 15 bom bia 50 lít, đặc biệt những ngày cuối tuần không còn chỗ cho khách chen chân vào. 

Hệ thống bán bia hơi Hà Nội - Hải Xồm có tất cả 5 cơ sở, trong đó, địa chỉ 86 Lê Trọng Tấn, hàng ngày, từ trưa tới chiều, Hải Xồm đón nhận khoảng 2.000 khách.

Theo thông tin từ anh Bùi Thanh Bình, quản lý tại nhà hàng tiết lộ: “Những ngày mới ra giêng, một số người còn bận đi chùa chiền, chúc Tết, cửa hàng bán được 20 – 30 bom 50 lít, hôm nào đông bán được 40 – 50 bom, mỗi bom 900 nghìn, ước tính thu về 45 triệu tiền bia mỗi ngày”.

Với lợi thế về địa hình, tòa nhà 4 tầng hai mặt hướng ra phố Trần Đại Nghĩa và Tạ Quang Bửu, quán bia hơi Việt Hà của nhà hàng Xích Long (65 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) hầu như ngày nào cũng chật kín khách, cả trong nhà và cả trên vỉa hè. Lượng tiêu thụ tới trên 1.000 lít,/ngày, vào mùa hè con số này lên tới 1.500 lít.

Còn cửa hàng bia hơi Việt Hà của chị B. trên đường Hàm Long, ra Tết, nhập về tới 1.500 lít/ngày. Các đại lý bia Việt Hà mua từ nhà máy với giá gốc 7.300 đồng/ lít, đem về bán với giá từ 4.500 – 5.000 đồng/cốc (tức 13.500 – 15.000 đồng/lít). Như vậy, mỗi ngày, cửa hàng của chị B. thu về lãi suất lên tới trên hàng trăm triệu đồng.

Ngay chỗ "hẻo" hơn như nhà hàng bia hơi Hà Nội Mạnh Hùng, 164 Lê Trọng Tấn với sức chứa 300 khách, những ngày này cũng kín chỗ. Nhà hàng phải kê thêm bàn ghế phía ngoài sân (khoảng 10 bàn) để phục vụ nhu cầu của khách. Anh Nguyễn Đoàn Thanh Tuấn, quản lý nhà hàng cho biết, tính riêng ngày mùng 9 Tết – ngày đầu tiên mở hàng khai xuân, lượng khách lên tới trên 1.000, số lượng bia bán được khoảng 10 bom 50 lít.

“Bia hơi để sang ngày hôm sau sẽ nhạt, vì vậy các cửa hàng, đại lý thường tính toán số lượng phù hợp để nhập bia về từ đêm hôm trước. Dự đoán, những ngày tới, thời tiết sẽ tiếp tục nắng nóng, bia sẽ rất " khát"” – anh Tuấn nói.

Theo bản Quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc công ty Cổ phần Thương mại Bia Hà Nội, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát, nhận định: Đến năm 2010, Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 3,1 - 3,2 tỷ lít bia, mức tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam ước tính sẽ tăng đến 35 - 36 lít mỗi năm. Số lượng sản xuất và tiêu thụ bia luôn cao gấp nhiều lần so với số lượng rượu hay nước giải khát.