Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các hãng thông tấn thế giới đối phó với vấn nạn tin giả trên mạng xã hội như thế nào?

Văn Sinh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu quốc tế là lãnh đạo và đại diện các hãng thông tấn lớn đã có những chia sẻ về vấn nạn tin giả cùng các giải pháp đối phó trong giai đoạn hiện nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Minh Quyết/ TTXVN)
Theo đó, các trang web và mạng xã hội hiện đang tràn ngập thông tin không được kiểm chứng. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, 1 trong những nhiệm vụ quan trọng của truyền thông truyền thống trong kỷ nguyên số là kiểm chứng những thông tin đó và cung cấp cho độc giả những thông tin đúng sự thật. Trong bối cảnh đó, việc quay trở lại với nền tảng cơ bản của các hãng thông tấn - đưa tin nhanh và chính xác - là chìa khóa để giành lại niềm tin của độc giả đối với tin tức chính thống.
Hãng Thông tấn Kyodo (Nhật Bản) đã thành lập một nhóm chuyên trách có tên gọi D-Watch. Nhiệm vụ của nhóm này là theo dõi các trang web và mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook và Twitter, liên tục từ 9 giờ đến 23 giờ hàng ngày, và định kỳ báo cáo về Trung tâm tin - đơn vị đầu não của Ban Thời sự - về những thông tin có giá trị về mặt tin tức.
Nhóm D-Watch hoạt động độc lập với bộ phận tin tức của Kyodo, với thành viên là những người trẻ thành thạo mạng xã hội, trong đó có cả những sinh viên làm việc bán thời gian.
Trung tâm tin nhận thấy cần phải đưa tin dựa trên cơ sở thông tin nhận được từ nhóm D-Watch, Trung tâm tin sẽ chỉ đạo bộ phận tin tức cử phóng viên tới hiện trường xảy ra sự kiện.
Trong khi đó Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đã thành lập 1 ủy ban kiểm chứng thông tin vào tháng 4/2018 và trở thành một bộ phận của phòng tin tức. Các phóng viên nước ngoài và tất cả các nhà báo có thể gắn cụm từ "kiểm chứng sự thật" vào các bài báo khi họ gặp phải những vấn đề cần sự tách biệt rõ ràng giữa sự thật và không đúng sự thật. Mục đích là nhằm không giới hạn việc kiểm chứng thông tin ở những lĩnh vực hay vấn đề nhất định nào.
Cũng theo đại diện Yonhap, kiểm chứng thông tin hiện trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của giới truyền thông Hàn Quốc. Các đài phát thanh, truyền hình đều có các nhóm riêng thực hiện nhiệm vụ trên, trong khi các tờ báo cũng tham gia kiểm chứng thông tin khi nảy sinh vấn đề.
Yonhap đã nỗ lực giám sát những bình luận của các chính trị gia và các nhân vật có ảnh hưởng, sự lan tràn tin giả trên Internet và những bài viết sai sự thật trên các phương tiện truyền thông để cung cấp sự thật cho độc giả. Điển hình như ngày 8/3 vừa qua, Yonhap đã chính thức triển khai dịch vụ kiểm chứng thông tin bằng video mang tên “Kiểm chứng sự thật hàng tuần” trên Yotube.

Tin giả chỉ có thể được kiểm soát bằng cách công bố thông tin sau khi đã được xác minh.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) - ông Mustafa Ozkaaya cho biết, Hãng đã lập Hệ thống theo dõi ảnh (PTS) riêng bằng bộ mã hóa nhân viên của bộ phận IT.
PTS giúp theo dõi ảnh của hãng bằng cách tìm ra địa điểm, thời gian và cách thức mà bên thứ ba sử dụng dưới dạng số hóa. Hệ thống này vận hành rất đơn giản và theo 2 cách thức căn bản.
Cách thứ nhất là có thể quét tự động các website và tờ báo đã được xác định trước qua PTS. Hệ thống này theo dõi ảnh trên các phương tiện truyền thông đã được xác định trước, sau đó đối khớp các ảnh này với kho ảnh kỹ thuật số của Hãng thông tấn Anadolu và lập tức đưa ra các báo cáo so sánh. Cách thứ hai là tìm kiếm từng ảnh riêng lẻ thông qua PTS. Ngoài ra, PTS có thể phát hiện những hình ảnh và tiến hành đối khớp xác thực cho dù những ảnh này bị làm méo mó hoặc chỉnh sửa một phần. Điều này sẽ giúp hạn chế những thông tin sai lệch bằng hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội.
Bên cạnh sử dụng các giải pháp công nghệ, đại diện Hãng thông tấn Bahrain cho biết, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Hãng luôn được trang bị các kiến thức, kỹ năng tốt nhất để có thể sàng lọc, thẩm định tất cả các thông tin nhận được qua thư điện tử, fax, các cuộc gọi hay tin nhắn, hay những thông tin mà nhóm giám sát phát hiện được trên các website.
Bỏ qua những website đáng ngờ khi đưa tin về các sự kiện, các câu chuyện xảy ở nước khác, để trở thành trung tâm cung cấp thông tin chính xác và là nguồn tin tin cậy không chỉ cho người dân trong nước mà còn cả cộng đồng quốc tế, bên cạnh việc thẩm định, xác minh các nguồn tin và tác giả, Hãng thông tấn Bahrain chỉ đạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên kiểm tra cả yếu tố thời gian. Bởi có nhiều trường hợp, những tin cũ được "xào xáo" lại thành tin mới để đánh lừa độc giả. Chính nhờ những biện pháp này, Hãng thông tấn Bahrain có thể kiểm chứng toàn bộ sự thật và đảm bảo được rằng các sản phẩm thông tin của hãng miễn dịch với tin giả.