Tại huyện Tuyên Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai phương án phòng chống thiên tai, sẵn sàng di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.
Theo ông Dũng, sau hoàn lưu bão số 4, sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, mực nước sông Gianh có khả năng lên nhanh. Để ứng phó với ngập lụt, huyện lên phương án di dân theo từng mức độ.
Cụ thể, nếu nước lũ trên báo động 3, dự kiến di dân toàn huyện hơn 2.100 hộ với hơn 7.300 nhân khẩu. Trường hợp nước lũ trên báo động 3 + 1m thì dự kiến di dân toàn huyện trên 3.700 hộ với hơn 12.800 nhân khẩu.
Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có rất nhiều điểm có nguy cơ bị sạt lở núi, bờ sông, trong đó có 281 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó, tại xã Thạch Hóa có 30 hộ với 105 nhân khẩu ở thôn Phú Hội bị ảnh hưởng bởi nguy cơ sạt lở bờ sông.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Trần Văn Bằng thông tin, hiện địa phương đang lên phương án cụ thể, khi nào nước lũ ngập thì tiến hành vận động, di dời người dân lên khu vực an toàn.
Tại huyện Minh Hóa, mưa lớn từ chiều qua đến sáng hôm nay 28/9, nước lũ đổ về khiến nhiều tuyến đường, ngầm tràn bị ngập sâu, chia cắt một số khu vực của huyện này.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho biết: “Trước tình hình mưa lớn như hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo xuống các địa phương sẵn sàng lên phương án để di dời các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét, lũ ống đến nơi an toàn.”
Qua rà soát, UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đã xây dựng Phương án di dời 2.682 hộ với 12.157 nhân khẩu nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai như nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở bơ khe suối, đồi núi, lũ quét, lũ óng, trong đó: 2.286 hộ/10.454 khẩu trong vùng có nguy cơ bị ngập lụt cao; 364 hộ/1.590 khẩu có nguy cơ nằm trong vùng bị sạt lở cao ; 92 hộ/367 khẩu nằm trong vùng có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống.