Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2021

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài với số ca bệnh không ngừng tăng, khiến nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội. Một số tổ chức, chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam là 6,5% đang gặp khó.

Sức ép lên mục tiêu tăng trưởng

TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã sớm phản ánh tác động tiêu cực của đợt dịch này. Theo nhóm tác giả, có ít nhất có 8 lĩnh vực chịu tác động rõ nét. Tác động của đợt dịch này đối với lĩnh vực nông nghiệp là không quá lớn, nhưng rất cần sự tiếp tục hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương liên quan. 

 Ảnh minh hoạ

Sản xuất công nghiệp tuy vẫn giữ được đà tăng nhưng đã chậm lại do ảnh hưởng của dịch tại các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn là Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và gần đây là Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… Điều này đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 29% trong khi nhập khẩu tăng 36,3%, khiến nhập siêu quay trở lại (khoảng gần 1 tỷ USD).     

Ngành dịch vụ (du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải - kho bãi, giáo dục - đào tạo…) tiếp tục chịu tác động trực tiếp, tiêu cực nhất khi hầu hết các hoạt động du lịch dừng lại; vận tải, kho bãi chậm tiến độ, chi phí tăng; y tế căng mình chống dịch trong khi dịch vụ y tế khác bị hạn chế (dù giá trị gia tăng có tăng) và hoạt động giáo dục, đào tạo phải thay đổi phương thức đào tạo, thi cử, nhiều chương trình giãn, hoãn (dù giá trị gia tăng có tăng nhưng lượng doanh nghiệp phải đóng cửa nhiều)… Kéo theo đó, hoạt động doanh nghiệp tiếp tục khó khăn.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng bị ảnh hưởng. Tổng vốn FDI đăng ký (gồm cả vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần) đạt 15,3 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019).

Đối với hoạt động đầu tư công, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình. Điều này khiến cho đầu tư công trong tháng 6 và tháng 7 có biểu hiện giảm tốc so với các tháng trước khi nhiều địa phương phải tập trung nguồn lực và ưu tiên phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, giá nguyên vật liệu tăng mạnh thời gian qua cũng khiến một số dự án phải điều chỉnh dự toán đầu tư (khá tốn thời gian) và một số doanh nghiệp trì hoãn thi công…

Căn cứ vào những đánh giá tác động của đợt dịch này cũng như cơ hội, thách thức từ nay đến hết năm 2021, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng kinh tế và một số lĩnh vực năm 2021 theo 3 kịch bản:

Kịch bản cơ sở, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong tháng 8/2021, tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tạo điều kiện phục hồi, tăng trưởng kinh tế tích cực. Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt từ 5,8 - 6%. Với kịch bản tích cực, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ngay trong tháng 7/2021, tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022; tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,3-6,5%. Với kịch bản tiêu cực, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 5,1 - 5,3%.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đưa ra 2 kịch bản: Dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10/2021, với dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,9% và dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, khả năng tăng trưởng có thể đạt 6,2%.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra lưu ý thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ vì cả 2 ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4. “Đã xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược như điện tử và xây dựng. Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng có thể bị giảm nhẹ" - WB cảnh báo. Đặc biệt, WB lưu ý không chủ quan với lạm phát, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho kinh tế năm tới.

Nền tảng phát triển kinh tế về cuối năm

Theo Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn (Ngân hàng HSBC) Ngô Đăng Khoa, điều quan trọng Việt Nam phải nhanh chóng ngăn chặn đà lây lan của virus, đồng thời đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc. 

Đánh giá những yếu tố nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối chặng đường của năm, Viện trưởng CIEM - TS Nguyễn Hồng Minh bày tỏ, ngay trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới và mô hình phát triển kinh tế bền vững. Việt Nam cũng cần chủ động tìm kiếm các động lực từ những khu vực, đối tác có thể phục hồi sớm nhất sau Covid-19 đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong mối liên kết với khu vực FDI.

Đặc biệt, Việt Nam vẫn cần thúc đẩy các cải cách đủ sâu rộng để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững với 3 ưu tiên quan trọng. “Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số và trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất” - lãnh đạo CIEM nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, các Bộ KH&ĐT, Tài chính… đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19,... Theo các chuyên gia các gói hỗ trợ, chính sách tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội.., cần phải được triển khai ngay để thực sự hiệu quả. Bởi trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, dự báo số doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Theo ông Phan Bình - Giám đốc Marketing J&T Express Việt Nam, hiện nay, doanh nghiệp và người dân được khuyến khích đẩy mạnh kinh doanh, mua sắm online, qua thương mại điện tử. Từ đầu tháng 3 đến nay, tại J&T Express đã có hơn 2.000 người đăng kí mở tài khoản mới và vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Điều này chứng tỏ nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh.

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cũng đã không ngừng nỗ lực giữ vững vị thế và mở rộng kênh mua sắm trực tuyến bằng giải pháp cam kết giá bình ổn và giao nhanh trong ngày. 

Việc cần làm hiện nay là dồn sức cho việc chống dịch. Nếu hết quý III/2021, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng mạnh đến các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng. Trong bối cảnh mới này, chỉ có đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 mới là giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. GS Trần Thọ Đạt - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân