Qua khảo sát cho thấy, với ưu điểm vượt trội về độ bền, tính thẩm mỹ, chi phí hợp lý..., các loại tôn dưới đây đang được nhiều người lựa chọn cho công trình xây dựng.
Tôn lợp giả ngói (tôn sóng ngói)
Là vật liệu xây dựng được dùng phổ biến cho những ngôi nhà có kiến trúc nhiều mái, mái đa tầng như biệt thự hoặc các ngôi nhà mái có độ dốc lớn có đặc điểm về kiểu dáng, kích thước, màu sắc giống hệt mái ngói để đánh lừa thị giác nhưng cấu tạo chất liệu, cấu trúc bên ngoài và trọng tải khác ngói thật.
Sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội về thẩm mỹ của mái ngói, độ bền của chất liệu tôn, tôn sóng ngói mang lại sự sang trọng cho những công trình cao cấp. Hoặc ngôi nhà kiến trúc truyền thống, mái nhà kiểu cách, kiến trúc nhà mái thái, nhà ở cả nông thôn và thành thị.
Tôn lạnh
Tôn lạnh (hay tôn mạ nhôm kẽm) là một loại thép cán mỏng đã được trải qua quá trình mạ hợp kim nhôm kẽm với tỷ lệ thông thường 55% Nhôm, 43.5% Kẽm và 1.5% Silicon.
Loại tôn này có tuổi thọ cao gấp 4 lần so với tôn kẽm trong cùng điều kiện môi trường. Thành phần nhôm trong lớp mạ tạo ra một màng ngăn cách cơ học chống lại tác động của môi trường trong các điều kiện khí hậu khác nhau.
Thành phần kẽm trong lớp mạ bảo vệ điện hóa hy sinh cho kim loại nền. Khi tiếp xúc nước, hơi ẩm, kẽm sẽ tạo ra hợp chất bảo vệ tại những mép cắt hoặc những chỗ trầy xước.
Chúng có khả năng chống chịu ăn mòn, gỉ sét cao; hạn chế hấp thu nhiệt lượng và phản xạ nhiệt từ ánh sáng mặt trời; kết cấu thiết kế đặc biệt nên thích hợp với nhiều mục đích sử dụng và giá thành luôn phù hợp với thị trường, giá bán tôn lạnh tiết kiệm hơn so với các vật liệu khác.
Tôn cách nhiệt
Tôn cách nhiệt (hay còn gọi là tôn xốp, ôn mát, tôn PU PE) là loại tôn có cấu tạo 3 lớp gồm: Lớp đầu tiên là tôn lạnh mạ màu, lớp thứ 2 là xốp cách âm cách nhiệt như PU (Polyurethane) hoặc EPS, lớp thứ 3 là tôn lạnh hoặc giấy bạc.
Nó có thể mang lại cho công trình lắp đặt không gian dễ chịu. Mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Tiếng ồn được hạn chế. Và cả khả năng kiểm soát cháy nổ cũng tối ưu.
Mức độ sẽ tùy thuộc vào lớp xốp bảo ôn ở giữa (PU, EPS, Glasswool, Rockwool). Tuy nhiên, tôn PU 3 lớp giấy bạc là vật liệu lợp mái được tiêu dùng ưa chuộng hơn cả.
Loại tôn này có hiệu suất cách nhiệt tốt, cách âm mái hiệu quả, thời gian sử dụng rất lâu từ 30 - 50 năm, tính thẩm mỹ cao.
Tôn cán sóng
Tôn cán sóng chính là những tấm thép được cán mỏng và trải qua quá trình mạ kẽm hoặc mạ nhôm kẽm, sau đó được cán sóng (dập sóng) vuông hoặc tròn mang tính thẩm mỹ cao.
Hiện nay tôn cán sóng được sử dụng chủ yếu để lợp mái và vách ngăn cho các công trình dân dụng và công nghiệp.
Tôn cán sóng được chia thành 3 loại chính là sóng tôn công nghiệp (tôn 5 sóng, tôn 7 sóng) và sóng tôn dân dụng (tôn 9 sóng, tôn 11 sóng), tôn la phông 13 sóng. Tùy vào nhu cầu cũng như sở thích mà người sử dụng có thể tìm hiểu và lựa chọn loại tôn cán sóng thích hợp.
Loại tôn này được cán thành nhiều dạng là tôn sóng tròn, tôn sóng vuông, tôn sóng ngói. Cũng tùy thuộc vào nhu cầu và công trình mà lựa chọn loại tôn thích hợp.
Tôn mạ kẽm
Tôn mạ kẽm (hay còn gọi là tôn kẽm) là một loại vật liệu xây dựng được làm từ các tấm kim loại (tấm thép) và bề mặt được bao phủ bởi một lớp kẽm trong quá trình nhúng nóng.
Với ưu điểm của tôn kẽm là nhẹ, dễ dàng vận chuyển, độ bền cao cùng với khả năng chống gỉ tốt. Chính vì thế loại vật liệu này dễ được bắt gặp trong đời sống thường ngày như các thiết bị điện gia dụng. Có tính ứng dụng cao trong nhành xây dựng, được sử dụng để chế tạo các tấm lợp, chế tạo vách ngăn và máng xối,…
Để phân loại tôn mạ kẽm, chúng ta dựa trên rất nhiều tiêu chí. Dựa theo hình dạng thì có 2 loại đó là tôn kẽm dạng tấm và dạng cuộn. Thông thường, ngày nay khi phân biệt tôn kẽm thường dựa vào độ dày của tôn là phổ biến nhất.
Theo tiêu chí này, tôn được phân làm 2 loại là tôn cứng và tôn mềm. Loại cứng gồm 2 loại chính là tôn cứng loại phẳng và tôn cứng loại sóng. Cả 2 loại trên đều có độ dày khoảng từ 0.15 - 0.55mm. Loại mềm thường thì có độ dày trung bình cao hơn so với loại tôn mạ kẽm cứng và dao động trong khoảng từ 0.22 - 3.2mm.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về việc xây dựng nhà cửa của con người cũng tăng cao. Không chỉ là một ngôi nhà kiên cố, vững chắc mà còn phải đạt yếu tố thẩm mỹ. Tùy vào từng công trình xây dựng, mỗi người lại chọn những loại tôn khác nhau để phù hợp với tổng thể kiến trúc cũng như tính ứng dụng của công trình đó.