Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các môn tích hợp “3 trong 1”: Có làm khó giáo viên và học sinh?

Kim Thỏa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, ở lớp 6 sẽ gộp 3 môn Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên; lớp 2 sẽ gộp hai môn Lịch sử và Địa lí thành môn Lịch sử - Địa lí. Liệu điều này có làm khó giáo viên (GV) và học sinh (HS) khi bước sang mô hình liên môn từ năm học tới?

 Từ năm học tới, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên; tích hợp Lịch sử và Địa lí thành môn Lịch sử - Địa lí.
Các môn Lý, Hóa, Sinh sẽ “biến mất”

Theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên SGK môn Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều, khi làm SGK lớp 6, đơn vị xác định xây dựng Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp, còn Địa lí và Lịch sử là môn học phối hợp. SGK môn Khoa học tự nhiên phải đảm bảo vừa hỗ trợ cho GV giảng dạy tích hợp, vừa đổi mới phương pháp giảng dạy trước yêu cầu phù hợp với năng lực HS.

Các tác giả biên soạn xây dựng theo mạch nội dung, tích hợp các kiến thức. Đơn cử, khi dạy về vật thể sống, nội dung không chỉ đơn thuần là kiến thức sinh học, mà còn tích hợp nhiều kiến thức khác nhau. Do vậy, đòi hỏi GV dạy Sinh học ngoài việc dạy kiến thức phải đảm nhận thêm việc bổ sung các kiến thức nền cho học sinh.

Việc tích hợp sẽ giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học. Đơn cử, nội dung protit, lipit, gluxit dạy trong kiến thức Hoá học thì sẽ không cần dạy trong kiến thức Sinh học nữa; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dụng Hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung Vật lý; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn nay được tích hợp chung. Mặc dù dạy môn tích hợp, không còn riêng biệt từng môn như trước đây nhưng số lượng công việc của thầy cô không thay đổi.

“Ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp. Để GV có thể dạy được là thách thức rất lớn, cần bám sát nội dung bồi dưỡng, tập huấn. Việc viết sách lần này cũng rất vất vả. Sách được biên soạn với phương châm tinh giản, kế thừa nội dung hiện hành, đạt được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết thực, gắn liền với cuộc sống. Thông qua môn học giúp HS khơi nguồn sáng tạo, tư duy rộng hơn trong quá trình học tập” - PGS Mai Sỹ Tuấn nói.

Lịch sử - Địa lí trở thành một môn học tích hợp

TS Nguyễn Văn Ninh - đồng chủ biên SGK Lịch sử và Địa lí lớp 6 – bộ Cánh Diều cho hay, dù kiến thức ở 2 môn giao nhau nhưng vẫn sẽ đảm bảo tính phân môn nhất định. Nội dung trong sách Lịch sử và Địa lí các cấp học từ THCS trở lại sẽ có 4 chủ đề gồm: Phát kiến địa lí - đô thị trong lịch sử; Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long và chủ quyền biển đảo. 4 chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, riêng lớp 6 mới chỉ dừng lại ở việc gộp 2 phân môn thành 1, chưa có nhiều sự giao thoa.

Trong SGK Lịch sử và Địa lí lớp 6 mới, nhóm tác giả vẫn lồng ghép thêm chủ đề về biển đảo. Các kiến thức không chỉ đơn thuần nguyên về biển đảo, mà còn các vấn đề về chủ quyền, xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam. Từ đó giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc của học sinh.

Cũng theo ông Ninh, môn học mới sẽ có giải pháp chiến lược về mặt con người. Việc đào tạo GV đáp ứng 2 môn này thì đã được các trường Sư phạm thực hiện. Ngay sau 2018, các trường sư phạm đã mở mã ngành mới là đào tạo GV dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Đây là về mặt chiến lược lâu dài.

Tích hợp liên môn có làm khó giáo viên?

Theo TS Nguyễn Văn Ninh, giải pháp thứ nhất, Bộ GD&ĐT có 9 module tập huấn GV, hiện đang trong quá trình tập huấn đến hết module 3, bàn về nội dung và phương pháp dạy học của các môn học. “Chúng tôi đã trực tiếp tập huấn GV dạy môn Lịch sử và Địa lí. Việc này giúp GV chưa có kiến thức chuyên môn của môn học có thể thực hiện được. Giải pháp thứ hai mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra là chương trình bồi dưỡng GV hiện hành để thực hiện môn học. Chúng tôi là những người trực tiếp của ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện chương trình bồi dưỡng này và hiện nay có khá nhiều Sở GD&ĐT triển khai bồi dưỡng đại trà cho GV phổ thông theo nguyên tắc bồi dưỡng chéo” – TS Nguyễn Văn Ninh nói. Ông lấy ví dụ, 1 GV môn Địa lí được bồi dưỡng 20 tín chỉ môn Lịch sử và ngược lại. Sau khi thực hiện bồi dưỡng xong thì có thể yên tâm 1 GV có thể dạy được một môn tích hợp.

Theo nhiều ý kiến khác, nếu như một GV đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Sử Địa thì hoàn toàn có thể dạy môn học này. Nếu không, thực tiễn Lịch sử và Địa lí là 2 phân môn thì 2 GV vẫn thực hiện và nhà trường có cơ chế thống nhất đánh giá môn học cho HS. Vì đây là một môn học, chỉ có một đầu điểm.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng việc đánh giá năng lực của HS. Điều này được tích lũy thông qua cả quá trình học tập dài, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của các em hơn là việc phải học thuộc, phải học ghi nhớ. Dạy học tích hợp là nhu cầu phát triển năng lực, không chỉ áp dụng riêng với các môn Khoa học tự nhiên mà các môn học khác cũng phải tính toán đến xu hướng này. Dạy và học tích hợp không phải trộn lẫn hỗn độn nội dung môn này với môn kia, mà tích hợp các kiến thức, liên kết tạo thành mạch với nhau.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên SGK môn Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều