Giới chuyên gia nhận định, tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ của phần lớn các nền kinh tế phát triển có thể sẽ chậm lại so với năm ngoái. Bloomberg Economics dự đoán lãi suất của các nền kinh tế lớn sẽ chỉ giảm trung bình 72 điểm cơ bản vào năm 2025, ít hơn so với năm 2024.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm triển vọng về các đợt cắt giảm lãi suất
Trong cuộc họp tháng 12 năm ngoái, các quan chức Fed đã hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng T.Ư Mỹ xuống phạm vi mục tiêu là 4,25 - 4,5%. Tuy nhiên, giới chức Fed cũng đã giảm triển vọng về các đợt cắt giảm dự kiến trong năm 2025 xuống còn 2 từ 4 lần trong dự báo trước đó tại cuộc họp tháng 9. Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang kỳ vọng rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp từ ngày 28 - 29/1.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn đang vật lộn với áp lực giá cả, giới chức Fed phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc kiềm chế lạm phát và đối phó với những bất ổn từ các chính sách thương mại, nhập cư sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo biên bản cuộc họp tháng 12 được công bố ngày 8/1, các quan chức Fed đã bày tỏ lo ngại về lạm phát và tác động mà các chính sách của Tổng thống đắc cử Trump có thể gây ra, cho thấy họ sẽ hành động chậm hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, ông Trump đã thông báo các kế hoạch áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico và Canada cũng như các đối tác thương mại khác của Mỹ. Ngoài ra, ông có ý định theo đuổi nhiều biện pháp bãi bỏ quy định và trục xuất nhập cư bất hợp pháp hàng loạt hơn nữa.
"Gần như tất cả các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đều đánh giá rằng rủi ro tăng lạm phát đã gia tăng. Để giải thích rõ hơn về đánh giá này, các thành viên đã trích dẫn những chỉ số lạm phát cao hơn dự kiến trong thời gian gần đây và những tác động tiềm tàng từ những thay đổi trong chính sách thương mại và nhập cư" - biên bản họp của Fed nêu rõ.
Cũng trong biên bản cuộc họp tháng 12, các quan chức nhấn mạnh rằng các động thái chính sách trong tương lai sẽ phụ thuộc vào cách dữ liệu diễn ra và không theo lịch trình cố định. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng 2,4% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%.
Chuyên gia Anna Wong của Bloomberg Economics nhận định: “Trong cuộc họp chính sách cuối cùng năm ngoái, thị trường tài chính đã thất vọng khi các thành viên FOMC thể hiện lập trường diều hâu hơn khi phát tín hiệu chỉ giảm lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản trong cả năm 2025. Chúng tôi dự đoán Fed sẽ phải cắt giảm tổng cộng 75 điểm cơ bản mỗi năm trong năm 2025 và 2026 khi tỷ lệ thất nghiệp có thể tiếp tục tăng lên mức 4,7% vào cuối năm 2025 và 5% vào năm 2026”.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất ổn định
Sau một khởi đầu chậm chạp, ECB đã bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất ổn định và có khả năng sẽ đưa lãi suất tiền gửi xuống mức 2% vào giữa năm nay sau các đợt hạ 25 điểm cơ bản liên tiếp. Một số quan chức ECB ủng hộ việc giảm lãi suất mạnh tay hơn, song phần lớn quan chức không thấy cần phải tăng tốc độ nới lỏng chính sách.
Trong khi lạm phát toàn phần dự kiến sẽ ổn định ở mức mục tiêu 2% của ECB trong năm 2025, giá dịch vụ vẫn tăng gần gấp đôi, làm gia tăng thêm mối lo ngại dai dẳng về tiền lương đã ngăn cản các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định. Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được cho là đang phục hồi sau thời gian trì trệ vào mùa Đông nhờ chi tiêu tư nhân được cải thiện.
“Đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng GDP chậm lại và chúng tôi dự kiến nguy cơ về thuế quan sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khi các quyết định đầu tư bị trì hoãn. Lạm phát toàn phần sẽ giảm xuống dưới mục tiêu 2% vào đầu năm 2025, tăng trưởng tiền lương đang chậm lại và biên lợi nhuận đã ngừng tăng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp cho đến tháng 3, sau đó là các động thái tương tự theo quý cho đến khi lãi suất tiền gửi đạt 2%” - các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chờ đến tháng 3 mới quyết định
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đang phải đối mặt với quyết định khó khăn về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo. Lạm phát đã tiếp tục ở mức hoặc cao hơn mục tiêu 2% của BOJ trong hơn 2 năm. Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng, sẽ là quyết định hợp lý nếu BOJ tăng lãi suất từ mức rất thấp. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cũng sẽ giúp hỗ trợ đồng yen đang suy yếu.
Tuy nhiên, cuộc họp chính sách tháng 1 của BOJ diễn ra chỉ sau 4 ngày kể từ lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump, do đó, việc chờ đến tháng 3 mới đưa ra quyết định tăng lãi suất sẽ giúp Thống đốc Ueda hiểu rõ hơn về nền kinh tế Mỹ và xu hướng tiền lương trong nước.
Chuyên gia Taro Kimura của Bloomberg Economics cho biết: “Chúng tôi vẫn dự đoán BOJ sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất vào cuối tháng này. Lý do là lạm phát dường như ngày càng có khả năng duy trì quanh mức mục tiêu 2% của BOJ. Đồng yen cũng đóng vai trò là yếu tố quyết định”.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giữ cách tiếp cận giảm lãi suất dần dần
Sau 2 đợt hạ lãi suất, tại cuộc họp chính sách tháng 12/2024, BOE đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,75% trước những quan ngại về lạm phát dai dẳng do tăng trưởng tiền lương cao và giá cả tăng. Bình luận về quyết định không thay đổi lãi suất, Thống đốc Andrew Bailey cho biết, BOE vẫn giữ cách tiếp cận giảm lãi suất dần dần trong tương lai, song do bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, ngân hàng không thể cam kết khi nào, cũng như mức cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
Quyết định của BOE trong cuộc họp chính sách vào tháng 2 tới cũng sẽ tính đến những tác động của kế hoạch Ngân sách mùa Thu và các chính sách thuế quan thương mại của chính quyền mới của Mỹ.
“BOE đã chỉ ra rằng họ có ý định hạ lãi suất dần dần. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ giảm theo tốc độ hàng quý trong năm 2025 với lãi suất kết thúc năm ở mức 3,75%. Điều đó sẽ đưa lãi suất xuống mức trung lập hơn khi BOE cân bằng lạm phát trên mục tiêu với thị trường lao động đang thắt chặt. Chúng tôi cho rằng, BOE có rất ít dư địa để cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa mà không gây áp lực lạm phát” - nhà kinh tế Dan Hanson của Bloomberg Economics nhận định.