Chuyên gia tâm lý học cho rằng, câu chuyện về cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone) thiên về yếu tố tâm lý hơn lý trí, khi vấn đề chỉ là các nhà đầu tư cảm thấy khó có thể tìm thấy niềm tin trở lại. Các nhà kinh tế nghiên cứu về hành vi cho rằng khi các bong bóng tài chính vỡ, sẽ xảy ra sự sụp đổ niềm tin, với việc mọi người không còn chú ý tới những nguyên tắc cơ bản mà chỉ có những liên tưởng tiêu cực về các khoản đầu tư của họ. Nhà phân tâm học David Tuckett và những người đề xướng khái niệm "tài chính tâm lý," một sự kết hợp giữa tài chính quản trị và tâm lý của các nhà đầu tư, cho rằng trong những giai đoạn khủng hoảng tiếp sau thời kỳ tăng trưởng liên tục, tâm lý lo ngại và hoảng loạn có thể lây lan như một loại virus. Trong trường hợp đồng euro, nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp là đủ để các vấn đề nợ của nước này âm ỉ trong nhiều năm và đẩy châu Âu tới một kết cục khó tưởng tượng là sự tan rã của đồng tiền chung. Khi đó, tất cả mọi thứ liên quan đến đồng tiền này sẽ bắt đầu rơi vào tình trạng tồi tệ và tâm lý sẽ là yếu tố lèo lái diễn biến của những sự kiện như vậy. Việc đưa ra các quyết định đầu tư hay mua sắm trong một thế giới chứa nhiều bất ổn, yếu tố tâm lý sẽ có sự chi phối bên cạnh những tính toán mang tính lý trí. Theo tác giả của cuốn sách "Những nguyên lý kinh tế của liên minh tiền tệ," Paul de Grauwe, Giáo sư về kinh tế học ở Đại học Leuven, khi các nhà đầu tư không còn tự tin vào khả năng phán đoán diễn biến của thị trường, tâm lý của họ trở nên lo lắng và bất an. Họ vẫn không dừng việc giao dịch mà chỉ không đối diện với những tin tức xấu bằng những phân tích tỉnh táo để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Các nhà phân tích cho rằng cách duy nhất để dừng sự lây lan của "virus hoảng loạn" trong cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone là các chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu phải có những hành động quyết liệt hơn.