Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nhà khoa học hiến kế “cứu chùa”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các cơ quan quản lý văn hóa đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm cứu vãn tình trạng xây mới hạng mục gác Khánh và nhà Tổ ở chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

>> Huyện nhận lỗi, Bộ yêu cầu phục hồi nguyên trạng

>> Xử lý vi phạm di tích chùa Trăm gian

>> Lỗ hổng lớn trong quản lý di tích

>> Gác Khánh, nhà Tổ tại chùa Trăm Gian bị dỡ để ..xây mới

Tuy nhiên, ngoài phương án đình chỉ thi công, bài toán làm thế nào để khôi phục nguyên trạng gần như chưa có lời giải. Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học uy tín với mong muốn góp phần tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.

Phải giao cho người có nghề

Thời gian vừa qua, sư trụ trì chùa Trăm Gian bất chấp các quy định về quản lý, bảo vệ di sản, với kinh phí xã hội hóa tự ý thực hiện việc tu bổ hạng mục gác Khánh, nhà Tổ theo ý mình. Nhà chùa đã thuê những người thợ không có chứng chỉ hành nghề, không hiểu biết về di sản để thực hiện quá trình tháo dỡ và trùng tu, thực chất là phá cũ xây mới. Sai phạm của Sư trụ trì chùa Trăm Gian Thích Đàm Khoa đã dẫn đến hậu quả tai hại là "làm mới" di sản gần ngàn năm tuổi.

14 giờ hôm nay, 30/8, Sở VHTT&DL tổ chức họp báo với nội dung: "Thông báo cho giới truyền thông toàn bộ sự thật trong việc tu bổ di tích chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)". Giám đốc Sở Phạm Quang Long sẽ chủ trì cuộc họp.

 "Quy trình trùng tu di tích bao giờ cũng bắt đầu bằng việc lập hồ sơ kiến trúc cũ để lên kế hoạch phôi phục, sửa chữa những gì cho giống nguyên bản. Tuy nhiên, ở chùa Trăm Gian không có quy trình đó nên sẽ rất khó cho nhà quản lý khắc phục tình trạng xây mới như hiện nay. Vì vậy, để có thể khắc phục tối đa hậu quả sai phạm ở chùa Trăm Gian chỉ còn cách cơ quan quản lý phải làm cho nghiêm và mọi phương án phải dựa vào thực địa, dựa vào những gì còn lại của di tích", GS.TS Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ. GS Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng: "Không dễ để tìm ra phương án "chữa bệnh" cho chùa Trăm Gian. Công việc này phải tiến hành trên cơ sở của thực địa hiện nay còn lại những gì, cái gì có thể tái sử dụng, cái gì có thể làm mới dựa trên nguyên bản cũ. Công việc này đòi hỏi các nhà khoa học chung sức, chung lòng, ngồi lại với nhau bàn bạc, may ra có thể cứu vãn được phần nào".

Các nhà khoa học hiến kế “cứu chùa” - Ảnh 1

Gác Khánh chùa Trăm Gian trước khi bị phá.

Theo KTS.TS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, "việc bảo tồn di tích rất phức tạp, đôi khi người dân có ý tốt nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực để làm, nên việc trùng tu di tích phải giao cho những người thực sự có nghề. Chỉ khi nào chúng ta giao di sản cho những người thực sự có nghề, lúc đó chúng ta mới hy vọng giảm thiểu tình trạng trùng tu sai các di tích, di sản". Từ kinh nghiệm bảo tồn thành công đình Chu Quyến, TS Lê Thành Vinh còn nhấn mạnh: "Di tích đều là điểm đến của cộng đồng, là nơi diễn ra sinh hoạt cộng đồng, chúng ta nên coi đó là diễn đàn để đối thoại với cộng đồng. Chúng ta cần nói với cộng đồng ở khu vực đó, những người là chủ nhân của di sản để họ nhận thức tốt hơn. Khi việc bảo vệ di sản được nhận thức tốt hơn, cộng đồng không trực tiếp làm, nhưng có vai trò giám sát".

Thực tế, hiện nay, rất nhiều di tích bị bỏ rơi, bị coi nhẹ và nguy hiểm hơn là sự vô trách nhiệm đến vô cảm của người quản lý. Nguyên nhân cũng chỉ vì kiểu quản lý hành chính thiếu cụ thể và hữu hiệu. Chính vì vậy, vi phạm về trùng tu liên tiếp xảy ra một cách có hệ thống, thậm chí có chủ đích.

Mọi biện pháp chỉ là cách chữa phần ngọn

Chiều 29/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì cuộc họp với các ban ngành liên quan để xem xét trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra ra sự việc đáng tiếc tại chùa Trăm Gian và bàn phương hướng khắc phục.

Lãnh đạo Sở VHTT&DL cho rằng: Do nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập nên năm 2010, dự án tu bổ tôn tạo di tích chùa Trăm Gian đã được phê duyệt. Nhưng trong năm 2011 UBND TP Hà Nội chưa bố trí được kinh phí đầu tư nên chưa thể triển khai được từ đó đến nay.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP  Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu đình chỉ chức vụ Trưởng Ban quản lý di tích chùa Trăm Gian; thời gian tới, phải tổ chức một cuộc họp với Cục Di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích để đánh giá mức độ thiệt hại và đưa ra phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh, bậc cấp lên sân từ đường trên cơ sở tái sự tối đa những khiếu kiện cũ.

Cách đây 2 năm, chùa Trăm Gian đã có "trùng tu", sơn mới những bức họa tuyệt tác, dịch chuyển không gian bệ thờ, lát gạch tráng men hiện đại khiến không gian kiến trúc của chùa bị phá vỡ. Khi đó, Bộ VHTTDL đã vào cuộc nhưng vì là "việc đã rồi" nên không thể cứu vãn, sự việc trôi vào lãng quên. Nhưng lần này rõ ràng việc "làm mới" chùa Trăm Gian đã được tính toán kỹ và thực hiện theo kế hoạch. Nếu như sự việc ngày hôm nay không được phát hiện thì có thể, di tích duy nhất còn sót lại của chùa Trăm Gian cũng bị đập đi xây lại. GS Lê Văn Lan cho rằng: "Để giải quyết những sai phạm tại chùa Trăm Gian, trước hết phải tìm ra người đứng đằng sau tiếp tay cho những sai phạm này. Chừng nào chưa tìm ra người chịu trách nhiệm, chưa xử lý nghiêm túc thì các biện pháp giải quyết chỉ là cách chữa phần ngọn". Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật nước ta hiện chưa có chế tài xử phạt những cá nhân, tổ chức có hành vi dùng tiền công đức, tạo áp lực để trùng tu, xây mới làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử của di sản. Nhằm tạo cơ sở pháp lý để ngăn chặn, xử lý các trường hợp mượn danh công đức để "ép" trùng tu di tích, trong Luật Di sản nên bổ sung điều khoản quy định cụ thể hình thức, mức độ xử phạt với cá nhân, tổ chức mượn danh công đức để thực hiện mục đích đánh bóng tên tuổi cá nhân…

Với những gì đang diễn ra, chúng ta không thể yên tâm nhưng cũng không đến mức quá bi quan về di sản chùa Trăm Gian. Rất có thể, các hạng mục nhà Tổ, gác Khánh sẽ được khôi phục gần như nguyên bản, nếu cơ quan quản lý Nhà nước tìm được những người thật sự có tâm huyết, tay nghề, gánh được trọng trách này. Nhưng điều quan trọng, sau phục hồi nguyên trạng chùa Trăm Gian sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt những vi phạm tái diễn ở các di sản quốc gia khác.