Hôm 21/10, các nhà lãnh đạo và quan chức hàng đầu từ hơn chục quốc gia đã tham dự một hội nghị tại Cairo, Ai Cập nhằm giảm leo thang xung đột Hamas-Israel trước lo ngại bùng phát trên diện rộng.
Nhằm mục đích đảm bảo hòa bình, tránh leo thang xung đột, hội nghị này đã thu hút sự tham gia của quan chức đến từ nhiều quốc gia như: Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Vương Quốc Anh, Mỹ, Qatar, Jordan, Nam Phi cùng với các tổ chức khác là Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu.
Theo Người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập Ahmed Fahmy, các quan chức tham gia cuộc họp này đã nhất trí về việc cung cấp viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza.
Tuy nhiên, vị quan chức này cũng đề cập rằng do những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên, hội nghị đã không thể thông qua một lệnh ngừng bắn.
“Có những quốc gia tại thượng đỉnh chỉ tập trung lên án một bên trong xung đột thay vì hướng đến một giải pháp chung” – Ông cho biết.
Trong suốt quãng thời gian diễn ra sự kiến, một số quan chức cấp cao từ các quốc gia khác nhau đã nêu ra quan điểm về xung đột Hamas-Israel tại Gaza. Trong đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã đề cập đến thỏa thuận về lộ trình chấm dứt xung đột tại Gaza và khôi phục lại hòa bình giữa Israel và Palestine. Ông cho biết thêm mục tiêu của thỏa thuận là nhằm cung cấp viện trợ cho người dân Gaza và đưa ra một lệnh ngừng bắn nhân đạo.
Vua Abdullah của Jordan đề cao quyền nhân sinh của người dân Gaza, đồng thời lên án mạnh mẽ hành vi ném bom của quân đội Israel tại khu vực này.
“Mạng sống của tất cả người dân đều quan trọng. Chiến dịch ném bom liên tục tại Gaza là hành vi vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế, khiến nhiều người dân vô tội bị bao vây, rơi vào cảnh lầm than” – Ông cho biết.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định người dân tại Gaza sẽ không rời đi bất chấp các động thái đến từ Israel.
Trong khi nhiều quốc gia Ả Rập và Hồi giáo kêu gọi mạnh mẽ về việc chấm dứt xung đột tại Gaza, các quốc gia châu Âu và phương Tây chủ yếu đề cập đến công tác cứu trợ nhân đạo.
Các quan chức Pháp kêu gọi thiết lập một hành lang nhân đạo vào Gaza, đồng thời cho rằng điều này có thể thúc đẩy một lệnh ngừng bắn. Anh, Đức và Ý kêu gọi quân đội Israel cần kiềm chế nhằm tránh leo thang căng thẳng.