Gần 132.000 lao động tự do được hỗ trợ 197 tỷ đồng
Thông tin từ Sở LĐTB&XH Hà Nội, tính đến cuối ngày 9/9 toàn TP đã hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 980.023 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, toàn TP Hà Nội hỗ trợ cho 1,583 triệu NLĐ với số tiền 494,746 tỷ đồng. Riêng nhóm đối tượng lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc (lao động tự do) được phê duyệt hỗ trợ với số trường hợp nhiều nhất. 30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 131.879 lao động tự do số tiền 197,81 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một số các quận, huyện đã phê duyệt và thực hiện nhanh nhóm chính sách hỗ trợ cho lao động tự do bị mất việc, trong đó có Ba Đình. “Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, quận Ba Đình đã phê duyệt 137.029 đối tượng với tổng số tiền 37.682.744.000 đồng; trong đó có 9.353 lao động tự do được hỗ trợ 14.029.500.000 đồng” - Trưởng phòng LĐTB&XH Ba Đình Phạm Thanh Hà cho biết.
Người dân trên địa bàn phường Cống Vị (quận Ba Đình) phấn khởi khi được nhận trợ cấp theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. |
Là lao động tự do được nhận tiền hỗ trợ, anh Phạm Văn Hoàng (Tổ dân phố 9, phường Giảng Võ, quận Ba Đình) phấn khởi bộc bạch: Tôi làm nghề thợ điện. Từ ngày 24/7 đến nay, các công trình xây dựng dân dụng nghỉ nên tôi mất việc làm. Vợ tôi cũng mất việc, 2 con đang tuổi ăn học, cuộc sống khó khăn buộc phải cắt giảm chi tiêu. May quá, mới đây, tôi được phường Giảng Võ hỗ trợ 1.500.000 đồng, đã dùng để mua rau và mỳ tôm. Gia đình tôi cảm ơn lãnh đạo phường, quận đã quan tâm hỗ trợ cho những lao động tự do trong lúc khó khăn này.
Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Nguyễn Công Quảng trao kinh phí hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. |
Quận Tây Hồ cũng được Sở LĐTB&XH Hà Nội đánh giá rất khẩn trương trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng. Toàn quận Tây Hồ có 5.990 lao động được hỗ trợ 10.252.390.000 đồng; trong đó, đối tượng lao động tự do chiếm đa số với 5.405 trường hợp được nhận 8.107.500.000 đồng. Triển khai Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, quận Tây Hồ chi trả cho 7 nhóm đối tượng 2.741 người với số 2.825.500.000 đồng. Trưởng phòng LĐTB&XH Tây Hồ Dương Văn Trường cho rằng, để có kết quả trên là do có sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực quận ủy, lãnh đạo UBND, sự đồng hành vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ quận, đến phường. Cũng như sự linh hoạt của lãnh đạo quận trong điều hành ngân sách, chủ động về kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho NLĐ và người sử dụng lao động.
Quy trình “vòng tròn khép kín” vì dân
Thời điểm này, các quận, phường ở “vùng đỏ” vẫn đang khẩn trương thực hiện chính sách an sinh xã hội giúp NLĐ, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 một cách nhanh nhất, đầy đủ và kịp thời. “Căn cứ tình hình thực tế, các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường đã chủ động và có những cách làm phù hợp, sáng tạo trong việc tiếp nhận và tổ chức xét duyệt, thẩm định hồ sơ, tham mưu ban hành quyết định phê duyệt và chi trả kịp thời, có hiệu quả.
Các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Cầu Giấy được tặng lương thực thực phẩm thiết yếu để ở nhà phòng chống dịch Covid-19. |
Cụ thể, UBND quận Cầu Giấy đã phê duyệt hỗ trợ cho 7.818 trường hợp với số tiền 14.244.770.000 đồng, trong đó có 2.893 trường hợp là thuộc nhóm chính sách lao động tự do. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, quận hỗ trợ cho các hộ gia đình gặp khó khăn, lao động ngoại tỉnh, sinh viên gặp khó khăn trên địa bàn trị giá hơn 10,8 tỷ đồng ” - Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho hay.
Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) Nguyễn Việt Hà trao kinh phí hỗ trợ cho lao động tự do. |
Các quận khác cũng rất linh hoạt trong việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho NLĐ. Đơn cử, quận Tây Hồ thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn, tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công đối với nhóm lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương... Đối với đối tượng lao động tự do, quận Tây Hồ triển khai thực hiện mô hình “vòng tròn khép kín” ở các phường. Bí thư chi bộ, cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố đi gặp người dân để tuyên truyền, phát tờ rơi, phát tờ khai và hướng dẫn cho dân.
Đồng thời, Bí thư chi bộ, cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố dùng điện thoại thông minh chụp lại Chứng minh thư Nhân dân/Căn cước công dân, hộ khẩu, những giấy tờ có liên quan và xác nhận, thiết lập hồ sơ, rà duyệt, niêm yết công khai danh sách theo quy định. Sau khi phường đề xuất UBND quận phê duyệt danh sách và kinh phí, cán bộ khu dân cư lại đem tiền hỗ trợ đến tận nhà trả cho người dân. “Với quy trình “vòng tròn khép kín” cán bộ chính quyền địa phương đi tìm gặp dân để tuyên truyền; được Nhân dân ghi nhận đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm ý thức phục vụ Nhân dân, cán bộ gần dân, vì dân, trọng dân” - Trưởng phòng LĐTB&XH Tây Hồ Dương Văn Trường cho hay.
Phường Giảng Võ (quận Ba Đình) trao kinh phí hỗ trợ cho lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. |
Trong khi đó, để NLĐ tiếp cận được nhanh với chính sách hỗ trợ, quận Ba Đình tiếp tục thực hiện phương pháp giao cho các tổ trưởng tổ dân phố, thành viên tổ Covid cộng đồng đi phát tờ đơn cho người dân và hướng dẫn kê khai; sau đó thu lại. Tổ trưởng tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng báo cáo lại danh sách những trường hợp lao động tự do đủ điều kiện thụ hưởng với UBND phường để Hội đồng họp xét duyệt, sau đó niêm yết công khai danh sách 2 ngày theo quy định... Kinh phí hỗ trợ được các tổ trưởng dân phố trao cho đối tượng tại nhà hoặc mời đến nhà đối tượng đến nhà hội họp nhận theo khung giờ khác nhau đảm bảo giãn cách xã hội.
Về phía Sở LĐTB&XH Hà Nội, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở đã yêu cầu các phòng chức năng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc triển khai chính sách an sinh xã hội; qua đó để kịp thời hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19.