Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Các quốc gia điều chỉnh chiến lược thương mại

Kinhtedothi - Trong khi Mỹ nỗ lực giảm thâm hụt thương mại thông qua chính sách thuế quan và chuyển hướng chuỗi cung ứng, nhiều quốc gia đối tác đã chủ động điều chỉnh chiến lược xuất nhập khẩu, đầu tư và định hướng thị trường nhằm giữ vững quan hệ kinh tế với Mỹ mà không đánh đổi tăng trưởng xuất khẩu.

Hàn Quốc: biến đầu tư thành công cụ điều phối thương mại song phương

Hàn Quốc là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất vào Mỹ, đồng thời là đối tác có cán cân thương mại lệch nghiêng khiến Washington quan ngại. Tuy nhiên, thay vì né tránh áp lực, Hàn Quốc chọn cách chủ động điều tiết quan hệ thương mại bằng chiến lược đầu tư “trực diện” vào nền kinh tế Mỹ.

Các khoản đầu tư quy mô lớn từ Samsung, Hyundai, LG không đơn thuần nhằm né rào cản thuế quan. Chúng là thông điệp kinh tế - chính trị rõ ràng, rằng Hàn Quốc muốn trở thành một phần trong cấu trúc sản xuất tại Mỹ, thay vì chỉ bán hàng vào thị trường này. Với nhà máy bán dẫn trị giá 17 tỷ USD ở Texas, Samsung không chỉ tạo ra công ăn việc làm, mà còn củng cố chuỗi cung ứng bán dẫn vốn được Mỹ coi là “tài sản an ninh chiến lược”.

Tương tự, Hyundai và LG không chỉ sản xuất ô tô điện tại bang Georgia để hưởng ưu đãi từ Đạo luật Giảm lạm phát, mà còn khẳng định rằng Hàn Quốc sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và lao động của Mỹ, thay vì chạy theo lợi thế chi phí thấp.

Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ năm 2023 đạt 115,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy vậy, khác với nhiều đối tác bị Mỹ cảnh báo về thặng dư thương mại, Hàn Quốc không trở thành mục tiêu gây sức ép.

Cảng Savannah là một trong những cửa ngõ nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ. Ảnh: Georgia Port

Lý do nằm ở cách tiếp cận. Thay vì chỉ đẩy mạnh bán hàng, Hàn Quốc chọn chia sẻ lợi ích với Mỹ bằng các khoản đầu tư trực tiếp quy mô lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, ô tô điện và pin năng lượng. Việc Samsung, Hyundai và LG đặt nhà máy tại Texas và Georgia không chỉ tạo thêm việc làm tại Mỹ, mà còn giúp chuỗi cung ứng nội địa của Mỹ ổn định hơn.

Trong một phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Kinh tế năm 2023, ông Ahn Duk-geun, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc chia sẻ: “Khi sản xuất ngay tại Mỹ, chúng tôi không chỉ cung cấp sản phẩm, mà còn tham gia vào nền kinh tế Mỹ một cách trách nhiệm”. Nhờ đó, Hàn Quốc vừa mở rộng thị phần, vừa duy trì được quan hệ thương mại hài hòa, bất chấp con số thặng dư cao.

Mexico: phát triển từ vai trò cung ứng thành đối tác công nghiệp

Thành công thương mại của Mexico với Mỹ trong những năm gần đây không chỉ xuất phát từ yếu tố địa lý, mà còn là kết quả của những điều chỉnh chính sách mang tính hệ thống nhằm nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng khu vực. Năm 2023, Mexico chính thức vượt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 490,2 tỷ USD, theo số liệu từ BBVA Research.

Nhằm đáp ứng xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt từ các tập đoàn Mỹ, Chính phủ Mexico đã đẩy mạnh cải cách hạ tầng công nghiệp tại các bang giáp biên giới, đồng thời ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư có mục tiêu. Nhờ đó, hàng loạt DN lớn đã mở rộng hiện diện tại Mexico, bao gồm Tesla (Nuevo León), BMW (San Luis Potosí), Intel và Foxconn (Chihuahua).

Song song với hạ tầng, Mexico cũng khai thác hiệu quả Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) để giữ vững ưu đãi thuế quan, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn về lao động, môi trường và tỷ lệ nội địa hóa. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này không chỉ giúp tránh nguy cơ áp thuế, mà còn củng cố vị thế của Mexico như một đối tác sản xuất đáng tin cậy trong mắt Washington.

Cơ cấu xuất khẩu của Mexico cũng ghi nhận thay đổi đáng kể. Từ nền sản xuất tập trung vào hàng tiêu dùng giá rẻ, nước này đã trở thành trung tâm gia công công nghệ tầm trung và cao, với thế mạnh về thiết bị y tế, linh kiện ô tô điện và linh kiện bán dẫn. Thặng dư thương mại của Mexico với Mỹ trong năm 2023 đạt 167 tỷ USD, tuy lớn nhưng không gây căng thẳng nhờ sự đan xen lợi ích trong chuỗi cung ứng.

Theo phân tích của Viện Brookings, Mexico hiện không còn là điểm đến gia công đơn thuần mà đang giữ vai trò đối tác tích hợp trong cấu trúc công nghiệp Bắc Mỹ. Sự gắn bó về sản xuất, thị trường và chính sách đã giúp Mexico thể hiện vai trò đối tác chủ động, góp phần định hình lại mô hình thương mại Mỹ - Mexico theo hướng bền vững và gắn kết hơn.

Đức: duy trì thặng dư thương mại bằng chất lượng công nghiệp và chiến lược địa bàn

Đức là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ trong nhiều năm, Đức từng không ít lần trở thành mục tiêu chỉ trích của chính giới Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn Mỹ theo đuổi chính sách thương mại bảo hộ. Tuy nhiên, thay vì đối đầu hay nhượng bộ, Đức chọn cách duy trì cán cân có lợi thông qua chiến lược dài hạn kết hợp giữa xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chất lượng cao và mở rộng đầu tư sản xuất ngay tại thị trường Mỹ.

Trọng tâm của chiến lược này là thúc đẩy các DN Đức thiết lập cơ sở sản xuất tại Mỹ trong những lĩnh vực mà Đức có lợi thế vượt trội. Tập đoàn BMW hiện vận hành một trong những nhà máy lớn nhất toàn cầu tại Spartanburg, bang South Carolina, với sản lượng hơn 410.000 xe mỗi năm. Không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, nhà máy này còn xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia, qua đó biến Mỹ thành trung tâm sản xuất toàn cầu của DN Đức.

Bên cạnh ngành ô tô, nhiều tập đoàn khác như Siemens, BASF, Bosch cũng đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực như tự động hóa công nghiệp, năng lượng tái tạo và hóa chất chuyên dụng, những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và phù hợp với chiến lược phát triển của Mỹ. Việc sản xuất ngay tại Mỹ không chỉ giúp DN Đức giảm thiểu rủi ro chính sách, mà còn thể hiện cam kết đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế bản địa.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu từ Đức sang Mỹ vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng công nghệ cao, khó thay thế như máy móc chính xác, thiết bị y tế, dược phẩm và giải pháp công nghiệp xanh. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), thặng dư thương mại của Đức với Mỹ trong năm 2023 đạt xấp xỉ 75 tỷ USD, tiếp tục là nguồn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Giáo sư Gabriel Felbermayr (Viện Kinh tế Thế giới Kiel) đánh giá: “Việc duy trì thặng dư thương mại ở mức cao không đồng nghĩa với việc né tránh điều chỉnh. Đức chọn cách đầu tư vào thị trường đối tác, qua đó chuyển hóa mối quan hệ thương mại thành quan hệ lợi ích đan xen”.

Trường hợp của Đức cho thấy một chiến lược thương mại cân bằng không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc giảm xuất khẩu, mà nằm ở khả năng thiết lập hiện diện kinh tế lâu dài tại thị trường đối tác, đồng thời giữ vững năng lực cạnh tranh công nghiệp ở phân khúc mà đối tác vẫn có nhu cầu nhập khẩu.

Trung - Mỹ đạt thỏa thuận thương mại

Trung - Mỹ đạt thỏa thuận thương mại

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ