Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh giữa căng thẳng thương mại
Kinhtedothi - Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu lheo thang, Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latin và Caribe bằng chiến lược đầu tư sâu rộng, hợp tác toàn diện và lời kêu gọi vì một trật tự thế giới công bằng hơn.
Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các Quốc gia Mỹ-Latin và Caribe (CECLAC) 2025, với sự tham dự của hàng loạt lãnh đạo cấp cao từ hơn 30 quốc gia, đã diễn ra vào ngày 13/5 tại Bắc Kinh. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ Trung Quốc - khu vực Mỹ-Latin, mà còn thể hiện tham vọng của Bắc Kinh trong việc định hình trật tự khu vực trước những chính sách khó lường từ Washington.
Tại Hội nghị, Trung Quốc đã công bố hạn mức tín dụng mới trị giá 66 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,18 tỷ USD) cho các nước thành viên CELAC, như một phần trong nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tài chính, Bắc Kinh còn cam kết nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm chất lượng cao từ Mỹ Latinh, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, khoáng sản, năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đang gia tăng, đặc biệt sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế trên diện rộng, tạo ra làn sóng quan ngại về chính sách bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bài phát biểu tại Hội nghị, đã không giấu giếm quan điểm phản đối các hàng rào thuế quan, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các nước Mỹ Latinh như là những đối tác cùng chí hướng trong việc bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Ông khẳng định cả Trung Quốc và CECLAC đều chia sẻ khát vọng về công bằng, công lý, phát triển và phục hưng quốc gia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc - CECLAC 2025. Ảnh: Yin Bogu/Tân Hoa Xã
Trong chiến lược toàn diện này, Trung Quốc không chỉ tập trung vào thương mại hay đầu tư mà còn mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, truyền thông 5G, năng lượng sạch và kinh tế số. Đáng chú ý, trong 3 năm tới, Trung Quốc sẽ cung cấp 3.500 học bổng và 10.000 cơ hội đào tạo cho học sinh. sinh viên từ các quốc gia CELAC, đồng thời miễn thị thực cho công dân của 5 nước trong khu vực, hướng tới thúc đẩy giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.
Một điểm nhấn khác của Hội nghị là cam kết bảo tồn văn hóa và tăng cường hợp tác về an ninh. Trung Quốc đề xuất thúc đẩy nghiên cứu khảo cổ học chung, chống buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa, cùng với các biện pháp chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và đảm bảo an ninh mạng. Trong khuôn khổ sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, Bắc Kinh thể hiện mong muốn cùng các nước Mỹ Latinh xây dựng một hệ thống quốc tế hài hòa hơn, trong đó các nền văn minh cùng học hỏi, tôn trọng và bổ trợ lẫn nhau.
ĐỌC NGAY: Đằng sau quyết định hòa hoãn thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc
Với khối lượng thương mại hai chiều đạt 515 tỷ USD trong năm 2024, tăng từ mức 450 tỷ USD của năm trước, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của CECLAC, chỉ sau Mỹ, và khu vực này cũng là điểm đến lớn nhất cho đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh ngoài châu Á. Các dự án cơ sở hạ tầng như cảng Chancay trị giá 1,3 tỷ USD ở Peru hay sự hiện diện của các loại xe điện thương hiệu Trung Quốc trên đường phố các nước Mỹ Latinh là minh chứng rõ nét cho ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh với vai trò là đối tác thương mại hàng đầu của khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo khu vực Mỹ Latinh và Caribe tại Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc - CECLAC 2025. Ảnh: Ding Haitao/Tân Hoa Xã
Dù vậy, không phải tất cả các nước trong khu vực đều hoàn toàn đồng thuận với Bắc Kinh. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, dù ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác mới về nông nghiệp và năng lượng với Trung Quốc, vẫn lên tiếng cảnh báo về nguy cơ phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài. Ông kêu gọi các quốc gia Mỹ Latinh cần chủ động định hình tương lai và vị thế của mình trong thế giới mới.
Bà Bárbara Fernández Melleda, trợ lý giáo sư tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), nhận định mối quan hệ giữa khu vực Mỹ Latinh và Trung Quốc có vẻ "cân xứng hơn" so với lịch sử hợp tác với Mỹ hay các nước châu Âu. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng khu vực cần duy trì sự độc lập chiến lược để tránh rơi vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các siêu cường.
Với Trung Quốc, việc mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ Lhatin không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn là một nước cờ địa chính trị nhằm định hình một trật tự thế giới mới, nơi nước này đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ vẫn tồn tại, đặc biệt khi một số quốc gia như Panama bắt đầu cân nhắc lại vai trò của họ trong sáng kiến Vành đai và Con đường, phản ánh sự thận trọng về tính bền vững và minh bạch của các cam kết dài hạn từ Bắc Kinh.

Trung Quốc, Mỹ và cuộc đối thoại thương mại đầy thử thách tại Geneva
Kinhtedothi - Vào sáng thứ Bảy, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lệ Băng đã khởi động cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Geneva. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang vào đầu năm nay.

Đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc diễn biến tích cực
Kinhtedothi - Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc ngày đàm phán đầu tiên tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/5, với nỗ lực hàn gắn thương mại song phương trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan leo thang căng thẳng.

Giá xăng dầu hôm nay 12/5: sắc xanh nhờ đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc
Kinhtedothi - Đầu phiên giao dịch, giá xăng dầu thế giới giữ sắc xanh nhờ kết quả khả quan trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc.