Thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đang diễn ra, đại biểu Quốc hội quan tâm đến cơ chế chính sách để xây dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn trong phát triển văn hóa không chỉ đúng đối với văn hóa của Thủ đô mà còn đúng với văn hóa của cả nước. Chính vì vậy, đại biểu mong muốn một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội.
Cụ thể như điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của TP Hà Nội hay điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng quy định cho các cơ quan, tổ chức của TP Hà Nội, trong đó có các hạ tầng về văn hóa, thể thao được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.
Đại biểu bày tỏ mong muốn phạm vi áp dụng của những chính sách này sẽ được mở rộng hơn cho các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương ở Hà Nội để giải quyết những vấn đề bức xúc ở các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay như: tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình; Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số thiết chế văn hóa, thể thao khác.
"Khi chúng ta biết được rằng việc huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, từ quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng thực sự có ý nghĩa có thể giải quyết khó khăn cho các thiết chế văn hóa thể thao này và chúng ta không nên chờ đợi lâu hơn nữa để sửa các luật có liên quan như sửa Luật PPP hay Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trước khi quá muộn" - đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, quy định phát triển văn hóa ở khoản 1 điều 21 việc của Dự thảo Luật có nêu các yêu cầu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam là thể chế hóa đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng bày tỏ tán thành quy định về khu thương mại và văn hóa tại khoản 7 điều 21. Tuy nhiên đại biểu cho rằng Dự thảo Luật chỉ mới quy định việc thành lập tổ chức hoạt động và quản lý đối với thương mại. Các điểm b của điều này có nêu về chi cho hoạt động văn hóa; điểm c nêu quy định về việc bảo đảm các điều kiện về văn hóa, kinh doanh phát huy giá trị văn hóa.
Trong khi đó, yêu cầu của quy định này là phát triển khu thương mại văn hóa là phát triển thương mại gắn với văn hóa; cần định hình được văn hóa thương mại trong phát triển. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh nội dung này.
Theo điều 39, Dự thảo Luật Thủ đô về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định:
1. Áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao của TP Hà Nội. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo.
Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. HĐND TP Hà Nội được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn.
Điều 41 của Dự thảo Luật về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng quy định:
1. Cơ quan, tổ chức của TP Hà Nội đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình quy định tại khoản 2 Điều này được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.
2. Công trình, hạng mục công trình hạ tầng được nhượng quyền khai thác, quản lý bao gồm:
a) Công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, hạ tầng giao thông do TP Hà Nội quản lý;
b) Công trình kiến trúc có giá trị.
3. HĐND TP Hà Nội quyết định danh mục công trình, hạng mục công trình được nhượng quyền khai thác, quản lý.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội được quyết định sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
5. UBND TP Hà Nội quy định:
a) Nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục, thực hiện việc nhượng quyền khai thác, quản lý và việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này;
b) Biện pháp bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, hạ tầng giao thông, tài sản công trong quá trình nhượng quyền khai thác, quản lý và kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo công trình, hạng mục công trình trong quá trình khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị.