Các số liệu đáng chú ý về Covid-19 tại Việt Nam theo báo cáo mới nhất của UNDP

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/9, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến công bố 2 đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 và thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ đối với những đối tượng dễ tổn thương tại Việt Nam.

Người lao động tự do gặp khó khăn nhận hỗ trợ lương thực miễn phí tại một điểm ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 

Theo báo cáo vòng 3 của UNDP - được thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2021 trên 498 hộ gia đình dễ tổn thương nhất tại 63 tỉnh, thành của Việt Nam - 88% hộ gia đình đã phải chịu ít nhất 1 trong 3 loại tác động về việc làm - bao gồm mất việc, nghỉ việc tạm thời, và giảm giờ làm dẫn tới giảm thu nhập.

Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 66% được ghi nhận trong tháng 10/2020. Các lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chủ yếu thuộc ngành du lịch, dịch vụ (99,3%). Về thu nhập, tính đến tháng 7/2021, thu nhập trung bình của các hộ gia đình giảm tới 44% so với trước khi dịch bùng phát.

Ngoài ra còn có các tác động liên quan sức khỏe tinh thần, an ninh lương thực - nhà ở: Cứ 3 gia đình được hỏi thì có 2 hộ báo cáo về tình trạng lo lắng về các tác động của Covid-19; 52,5% số hộ phải giảm số bữa ăn hoặc khẩu phần ăn trong bữa; 48,7% số hộ cảm thấy khó khăn trong vấn đề mua thực phẩm.

Để đối phó với khó khăn kể trên, 79,4% số hộ gia đình đã cắt giảm chi tiêu, trong đó 71% số hộ giảm chi cho thực phẩm. Đáng chú ý, cứ 10 hộ gia đình được hỏi thì chỉ 3 hộ có tiền tiết kiệm; 55,5% số hộ không còn tiền để chi tiêu trong tháng tiếp theo.

Chính phủ trong thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách đề hỗ trợ cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trong đó có gói hỗ trợ thứ 2 trị giá 26 nghìn tỷ.

Tuy nhiên theo báo cáo của UNDP, 89,9% số người được hỏi chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào, trong khi 82,7% số người hiện có nhu cầu được hỗ trợ. Trở ngại lớn nhất chủ yếu được cho là do sự hướng dẫn chưa đầy đủ của các cán bộ dân phố - 13,5% số hộ báo cáo.

Trên cơ sở này, các chuyên gia của UNDP đã đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cụ thể. Theo ông Nguyễn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế - xã hội, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn nên được sử dụng trong chiến lược mở cửa trở lại.

“Cần đơn giản hóa thủ tục tiêm vaccine, sửa đổi danh sách ưu tiên tiêm chủng, khuyến khích mọi người chủng ngừa bằng phương pháp truyền thông hiệu quả và tăng cung ứng vaccine trong ngắn hạn và dài hạn; Nhanh chóng ban hành một số chương trình hỗ trợ tiền mặt mới với ngân sách khoảng 5% GDP hàng quý, giảm thủ tục hành chính, áp dụng kỹ thuật số để các nhân tự đăng ký” - ông Nguyễn Thắng nói tại hội nghị trực tuyến.

Còn theo bà Phạm Minh Thu, Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần thực hiện ngay chương trình trợ cấp tiền mới để giảm thiểu tác động từ làn sóng dịch bệnh thứ 4. Trong đó đề xuẩt mức hỗ trợ hàng tháng cần đạt được “mức sống tối thiểu” mà Bộ LĐTB&XH đã quy định, và thời gian hỗ trợ nên tương ứng với thời gian cách ly cộng đồng.

Phát biểu với vai trò chủ tọa, ông Terence D. Jones - Đại diện thường trú lâm thời của UNDP tại Việt Nam - cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất tại mọi quốc gia bị tụt lại phía sau. Tại Việt Nam, ông hy vọng các dự án của UNDP có thể hỗ trợ việc làm, cơ hội được tiêm vaccine, cũng như tăng khả năng chống chọi cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

“Mặc dù đã có nỗ lực hỗ trợ đáng kể từ Chính phủ, nhưng do các thủ tục hành chính phức tạp nên rất nhiều người vẫn chưa được tiếp cận. Hy vọng các khuyến nghị được đưa ra có thể góp phần thúc đẩy hiệu quả trong việc thực thi các chính sách đối phó với đại dịch của Chính phủ Việt Nam” - Đại diện UNDP tại Việt Nam nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần