Các thị trường có rung lắc?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc FED ngày 17/12 tăng mức lãi suất từ 0 - 0,25% lên 0,25 - 0,5%.

Theo Chủ tịch FED Janet Yellen, nâng lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm là khoảnh khắc mang tính chất lịch sử, biểu tượng cho đà phục hồi kinh tế Mỹ.
Thị trường đồng nội tệ rupiah (Indonesia) giảm mạnh.
Thị trường đồng nội tệ rupiah (Indonesia) giảm mạnh.
Đi kèm với việc nền kinh tế lớn nhất thế giới nâng lãi suất là chi phí đi vay tăng lên. Theo đó, châu Á có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tín dụng trong tương lai, gián tiếp ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Triển vọng tỷ giá các đồng tiền châu Á cùng việc lãi suất đồng USD tăng cũng có khả năng cản trở xu hướng nới lỏng kích thích của các NH T.Ư một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nguy cơ đồng USD mạnh lên cũng khiến dòng vốn tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi và đồng nội tệ các nhóm nước này không ngừng xuống giá. Kể từ khi FED bắt đầu phát tín hiệu nâng lãi suất, triển vọng của các thị trường này đã trở nên u ám, khi các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút hàng tỷ USD. Theo dự báo của Viện Tài chính quốc tế (IIF), rất có thể lần đầu tiên kể từ năm 1998, các thị trường này đối diện nguy cơ bị rút vốn ròng, với hơn 541 tỷ USD “tháo chạy” trong năm 2015.

Tuy nhiên, sức đề kháng của mỗi thị trường là khác nhau và do đó tác động đến mỗi nước cũng khác nhau. Điển hình là Indonesia và Malaysia – hai nước có doanh thu chủ yếu từ xuất khẩu bị ảnh hưởng do diễn biến tiêu cực của thị trường hàng hóa – đã chứng kiến 2 đồng nội tệ là rupiah và ringgit giảm mạnh trong mùa hè năm nay. Trong khi đó, Hàn Quốc là một trong những nước có thặng dư cán cân vãng lai cao nhất trong khu vực và được hưởng lợi từ điều này.

Ngay sau thông báo của FED, giới đầu tư bắt đầu bán tháo trong bối cảnh đồng bạc xanh tăng mạnh, theo chuyên gia  nghiên cứu Taki Tsaklanos của Secular Investor. Chính sách tài chính thắt chặt có thể đẩy đồng USD, vốn đã tăng hơn 20% kể từ mùa hè năm 2014, lên cao hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ rút vốn và các tác động lên thị trường toàn cầu còn tùy thuộc vào tốc độ tăng lãi suất. FED đã nhiều lần nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ được nâng từ từ và phụ thuộc rất nhiều vào các số liệu thể hiện sức khỏe nền kinh tế. Mức tăng lãi suất 0,25% lần này vẫn khiêm tốn so với dự báo của các chuyên gia trước đó.

Trong tuyên bố kết thúc cuộc họp tháng 12, FED dự báo lãi suất đồng bạc xanh vào cuối năm 2016 sẽ là 1,375%, đồng nghĩa với trong năm tới NH T.Ư này có khả năng sẽ tăng lãi suất 4 lần và mức tăng của mỗi lần là 0,25%.

Hành động kịp thời nhưng chậm rãi là con đường khôn ngoan mà FED chọn để có thể đánh giá tác động của việc này tới nền kinh tế, các thị trường, và đặc biệt là đồng USD; trước khi có những bước đi tiếp theo.