VN-Index tăng hơn 12 điểm, khối ngoại rót hàng nghìn tỷ vào SSI
Kinhtedothi - Với diễn biến tích cực tại nhóm trụ, dòng tiền ngoại duy trì ổn định và tâm lý nhà đầu tư cải thiện rõ rệt, giới phân tích kỳ vọng VN-Index có thể tiếp tục hướng tới vùng 1.470–1.480 điểm trong các phiên tới.
Khối ngoại mua ròng mạnh phiên thứ 8 liên tiếp
Phiên giao dịch ngày 11/7 khép lại với sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường. Chỉ số VN-Index tăng 12,12 điểm, tương ứng 0,84%, lên 1.457,76 điểm – đánh dấu phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp và mức cao nhất kể từ cuối năm 2021. Tính trong 5 phiên gần nhất, chỉ số đã tăng tổng cộng hơn 70 điểm, phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư trong bối cảnh dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào các nhóm cổ phiếu trụ.

Thanh khoản duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch trên ba sàn đạt gần 34.900 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE ghi nhận thanh khoản 31.700 tỷ đồng, tăng gần 4.100 tỷ đồng so với phiên liền trước. Tuy nhiên, thị trường ghi nhận sự phân hóa rõ nét khi bảng điện “xanh vỏ, đỏ lòng”, với 180 mã giảm giá, 172 mã tăng giá (11 mã tăng trần).
Tâm điểm thị trường tiếp tục là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VIC tăng mạnh 6,3% lên 108.000 đồng/cp – vùng giá cao nhất trong hơn hai năm, đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung của chỉ số. Cùng nhóm, VHM tăng 2,21%, VRE nhích 0,53%, đưa vốn hóa của Vingroup chạm ngưỡng gần 409.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng trở thành điểm sáng. Mã này tăng 3,38% lên 26.000 đồng/cp – mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 (sau điều chỉnh), với giá trị giao dịch gần 2.118 tỷ đồng, dẫn đầu toàn thị trường về thanh khoản (hơn 85 triệu đơn vị). Vốn hóa Hòa Phát tăng lên hơn 199.000 tỷ đồng, vượt FPT để lọt top 7 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn. Tài sản tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát – theo đó cũng tăng lên 2,5 tỷ USD.
Khối ngoại tiếp tục là lực đỡ lớn của thị trường. Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng – phiên mua ròng thứ 8 liên tiếp, nâng tổng giá trị mua ròng trong tuần lên hơn 6.000 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là SSI (512 tỷ đồng), HPG (270 tỷ đồng), VHM (103 tỷ đồng), VCB (95 tỷ đồng), MSN (93 tỷ đồng), VIC (92 tỷ đồng), VPB và MSB cùng trên 80 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, SHB bị bán ròng mạnh nhất (118 tỷ đồng), tiếp đến là CTG (99 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ E1VFVN30, KDH, VNM...
Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường với nhiều mã tăng mạnh như VCB (+2,12%), EIB (+3,38%), VIB (+1,31%), MSB (+1,1%)... Trong khi đó, CTG, SHB, LPB điều chỉnh nhẹ. Ở nhóm chứng khoán, VCI tăng trần lên 41.050 đồng/cp – tiệm cận đỉnh lịch sử năm 2021; SSI tăng 2,42%, HCM +2,46%, FTS +2,1%, VDS +2,6%...
Bất động sản ghi nhận sự phân hóa mạnh. Dù nhóm Vingroup giữ nhịp thị trường, nhưng các mã midcap và penny như DXG, NVL, DIG, KDH, HDC lại đồng loạt giảm từ 1,5–2,3%. Ngược lại, LDG, TDH, DRH, BCG và TCD tiếp tục tăng trần nhờ lực cầu đầu cơ mạnh.
Với diễn biến tích cực tại nhóm trụ, dòng tiền ngoại duy trì ổn định và tâm lý nhà đầu tư cải thiện rõ rệt, giới phân tích kỳ vọng VN-Index có thể tiếp tục hướng tới vùng 1.470–1.480 điểm trong các phiên tới. Tuy vậy, việc thanh khoản tăng nhanh trong bối cảnh phân hóa cao cũng cho thấy lực chốt lời ngắn hạn đang tiệm cận, đòi hỏi sự thận trọng khi giải ngân vào nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh.
Khối ngoại rót hàng nghìn tỷ vào SSI
Cổ phiếu SSI của Công ty CP Chứng khoán SSI tiếp tục nối dài chuỗi tăng điểm sang phiên thứ 8 liên tiếp, áp sát mốc 30.000 đồng/cp – mức giá cao nhất trong gần một năm qua. Đáng chú ý, dòng tiền từ khối ngoại đang là động lực chính kéo giá cổ phiếu SSI đi lên.
Chỉ riêng trong phiên 11/7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 15 triệu cổ phiếu SSI, tương đương giá trị hơn 430 tỷ đồng – con số cao nhất sàn HoSE trong ngày. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại đã mua ròng liên tục cả 9 phiên, gom tổng cộng hơn 65 triệu cổ phiếu SSI, với giá trị tích lũy vượt 2.000 tỷ đồng.
Đây là chuỗi mua ròng kéo dài nhất của khối ngoại đối với SSI kể từ năm 2022 và là minh chứng cho sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng cộng trong 8 phiên gần nhất, khối ngoại đã mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng, tập trung vào các mã cổ phiếu chủ chốt như SSI, SHB, FPT, HPG, HDB và VIX.
Trước diễn biến tích cực này, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT SSI đã có chia sẻ trên trang cá nhân. Ông viết: “Thực sự, nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và rất nhạy bén với cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam”. Theo ông, việc dòng vốn ngoại quay trở lại và mua ròng hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian ngắn là minh chứng rõ ràng nhất cho niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường Việt Nam.
Nhận định này không phải là không có cơ sở. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã nâng mức đánh giá đối với thị trường Việt Nam. Mới đây, JP Morgan công bố báo cáo điều chỉnh dự báo VN-Index lên 1.500 điểm trong kịch bản cơ sở và 1.600 điểm cho kịch bản lạc quan vào cuối năm 2025. Theo JP Morgan, triển vọng nâng hạng thị trường, cùng với thỏa thuận thương mại tạm hoãn áp thuế với Mỹ trong 90 ngày, sẽ là chất xúc tác quan trọng thu hút dòng vốn toàn cầu đổ về Việt Nam.
Không chỉ các yếu tố bên ngoài, nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước cũng đóng vai trò quan trọng. GDP nửa đầu năm 2025 tăng trưởng tới 7,52% – mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Các chính sách tài khóa linh hoạt, tiến trình cải cách thị trường tài chính, và nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán đang tạo ra kỳ vọng lớn.
Theo các chuyên gia, nếu được FTSE Russell đưa vào danh sách nâng hạng trong kỳ rà soát tháng 9/2025, Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn thụ động lên đến 500 triệu USD. Điều này sẽ tạo đà tăng trưởng bền vững không chỉ cho VN-Index mà còn cho những cổ phiếu dẫn dắt như SSI.
Trong bối cảnh đó, JP Morgan khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên các cổ phiếu đại diện cho tiêu dùng nội địa như ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ không thiết yếu – những nhóm được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ chi tiêu công, phục hồi kinh tế và sự cải thiện niềm tin tiêu dùng trong nước.

Cổ phiếu toàn ngành thăng hoa, thị trường phủ sắc xanh tím
Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch ngày 2/7 với gam màu tươi sáng khi chỉ số VN-Index tăng 6,99 điểm, lên mức 1.384,6 điểm – thiết lập mức đỉnh mới trong năm 2025.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp thị trường đảo chiều ngoạn mục
Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu quý III/2025 bằng một phiên giao dịch đầy kịch tính. Lực cầu quay trở lại vào cuối phiên chiều, đặc biệt từ nhóm ngân hàng và hàng không, đã giúp chỉ số “thoát hiểm” ngoạn mục.

VN-Index tiếp tục giảm nhẹ, một cổ phiếu "trắng bên bán" trong ngày tổ chức ĐHĐCĐ lần 3
Kinhtedothi - Dòng tiền yếu đi, tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng sau chuỗi tăng mạnh vừa qua đang tạo ra nhịp nghỉ cần thiết cho thị trường. VN-Index vẫn giữ được vùng 1.365 điểm, tuy nhiên áp lực điều chỉnh có thể tiếp tục duy trì trong các phiên tới nếu dòng tiền không sớm cải thiện.