Các thị trưởng tại Đức hối thúc chính phủ vận hành Nord Stream 2

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 7 thị trưởng trên đảo Ruegen kêu gọi chính phủ Đức cho phép vận chuyển khí đốt Nga qua Nord Stream 2 trong lúc Nord Stream 1 đang gặp khó khăn về kỹ thuật.

Đường ống Nord Stream 2 hiện đang chờ giấy phép hoạt động từ Berlin. Ảnh: AP
Đường ống Nord Stream 2 hiện đang chờ giấy phép hoạt động từ Berlin. Ảnh: AP

RT đưa tin các nhà lãnh đạo của hòn đảo lớn nhất ở Đức vừa gửi thư yêu cầu Berlin suy nghĩ lại chính sách về Nga.

Chính sách của Berlin về việc cố gắng từ bỏ nhập khẩu khí đốt Nga có thể sẽ gây ra khó khăn và châm ngòi cho tình trạng bất ổn - 7 thị trưởng từ đảo Ruegen của Đức đã viết trong bức thư gửi chính phủ liên bang và khu vực hôm 27/7. Các thị trưởng cũng hối thúc chính phủ liên bang cho phép nhập khẩu khí đốt qua đường ống Nord Stream 2, trong bối cảnh đang có những khó khăn kỹ thuật hiện tại với tuyến đường ống Nord Stream 1.

Theo hãng tin DPA, trong bức thư gửi Bộ trưởng Kinh tế liên bang Robert Habeck và Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern, bà Manuela Schwesig, các thị trưởng "lên án mạnh mẽ" cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine, kêu gọi chính phủ xem xét những thiệt hại mà chính sách của họ có thể gây ra đối với người dân Đức và nền kinh tế nước này.

“Chúng tôi cho rằng cách mà chính phủ liên bang giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga là không đúng” – lá thư của 7 thị trưởng tại đảo Ruegen viết. Ban đầu, bức thư được các thị trưởng của Bergen, Binz và Sassnitz soạn thảo, sau đó có thêm sự tham gia của các thị trưởng từ 4 khu vực pháp lý khác trên Ruegen - hòn đảo lớn nhất của Đức và là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

Theo truyền thông Đức, các thị trưởng nhấn mạnh rằng việc từ bỏ nhập khẩu khí đốt Nga sẽ đồng nghĩa với việc giá sinh hoạt bùng nổ, dẫn đến bất ổn xã hội và bất ổn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo nội dung bức thư của các thị trưởng, những lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng từ chính phủ liên bang - như tắm ít hơn và phân phối nước nóng - “là điều thật khó chấp nhận”.

“Với tư cách là thị trưởng của hòn đảo này, chúng tôi không muốn phải chấp nhận bất kỳ biện pháp hạn chế nào về năng lượng nữa” - thị trưởng thành phố Sassnitz, ông Frank Kracht nói với chi nhánh đài truyền hình NDR bang Mecklenburg-Vorpommern.

Các thị trưởng cũng từ chối các đề xuất mở rộng số lượng tuabin gió gần các khu dân cư khi nói rằng việc này gây nguy hiểm cho sức khỏe, đồng thời kêu gọi chính phủ liên bang “suy nghĩ lại một cách tổng thể về giải pháp cho các vấn đề hiện tại trong quan hệ với Nga”.

Trong số các đề xuất, các thị trưởng kêu gọi chính phủ cho phép nhập khẩu khí đốt Nga qua tuyến đường ống Nord Stream 2.

Hoàn thành vào tháng 9/2021, đường ống Nord Stream 2 hiện đang chờ giấy phép hoạt động từ Berlin - vốn bị đình chỉ vô thời hạn từ ngày 22/2, hai ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nord Stream 2 được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan, tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm. Mỹ và một số nước châu Âu phản đối việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 do lo ngại dự án sẽ khiến châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga. Ukraine cũng lo ngại mất nguồn thu từ trung chuyển khí đốt nếu Nord Stream 2 hoạt động.

Trong khi đó, đường ống Nord Stream 1 dù đã nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt sang châu Âu sau thời gian bảo trì, nhưng hiện chỉ hoạt động ở mức 20% công suất. Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom  - nhà điều hành của Nord Stream 1, cho biết một số tuabin tại trạm máy nén Portovaya cần được bảo dưỡng để duy trì chứng nhận. Tuabin đầu tiên được đưa tới Canada để bảo dưỡng nhưng không được trả lại đúng hạn do các biện pháp trừng phạt chống Moscow.

Tuy nhiên, chính phủ Đức vẫn từ chối cân nhắc khả năng khai thác Nord Stream 2. Bộ trưởng Kinh tế Đức  Robert Habeck hôm 26/7 tuyên bố đường ống Nord Stream 2 không thể hoạt động nếu không có chứng nhận. Ông Habeck cũng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin cố gắng làm tổn hại tình đoàn kết của EU với Ukraina bằng cách tăng giá khí đốt.

Kết quả các khảo sát gần đây cho thấy sự bi quan lan rộng trong ngành công nghiệp Đức. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuần trước cảnh báo thiếu khí đốt có thể dẫn đến bạo loạn. "Nếu không có tuabin nén khí, chúng ta khó có thêm khí đốt, vì vậy chúng ta không thể cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho Ukraine vì còn phải đối phó bất ổn xã hội", bà Baerbock nói với truyền hình RND.