Các thương hiệu Trung Quốc hướng tới phát triển bền vững và chất lượng cao: Kantar

Quỳnh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế và những thay đổi nhanh chóng trong tâm lý người tiêu dùng, các thương hiệu Trung Quốc đang thúc đẩy đổi mới giá trị, hướng tới chất lượng cao và phát triển bền vững.

Theo báo cáo của bảng xếp hạng BrandZ Top 100 thương hiệu Trung Quốc có giá trị nhất năm 2021 được công bố bởi công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Kantar, giá trị của các thương hiệu Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Theo đó, tổng giá trị của 100 thương hiệu Trung Quốc đã tăng vọt lên 57% so với một năm trước đó và đạt 1,56 nghìn tỷ đô la.

 Công nhân đóng gói rượu Quý Châu Mao Đài tại một nhà máy chưng cất ở tỉnh Quý Châu. Nguồn: Xinhua

Bảng xếp hạng Top 10 trong đó có Tencent, công ty có giá trị thương hiệu tăng 85% đạt 279,6 tỷ đô la, giành vị trí số một năm nay.

Ngoài ra, Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và Công ty sản xuất rượu Mao Đài Quý Châu lần lượt xếp hạng hai và hạng ba với giá trị thương hiệu lần lượt là 201,9 tỷ đô la và 110,6 tỷ đô la.

Bảng xếp hạng được công bố vào hôm thứ Hai chỉ ra rằng các thương hiệu Trung Quốc nằm trong danh sách năm nay đã có tốc độ tăng trưởng tổng giá trị hàng năm nhanh nhất trong vòng 11 năm qua.

Ông Dorren Wang, Chủ tịch toàn cầu của Kantar BrandZ cho biết, các thương hiệu này cũng đã có mức tăng trưởng nhanh hơn tổng giá trị của các thương hiệu toàn cầu trong năm qua.

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế và những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, việc nhắm tới các sản phẩm chất lượng cao và phát triển bền vững được coi là nguyên nhân đằng sau sự tăng trưởng về giá trị của các thương hiệu Trung Quốc.

Ông Wang cho rằng đổi mới chính là động lực tăng trưởng chính cho các thương hiệu Trung Quốc, trong đó đáng chú ý các thương hiệu của nước này trong lĩnh vực thiết bị gia dụng, may mặc, phụ kiện và chăm sóc cá nhân, đang dẫn đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo.

"Việc thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng cũng góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của các thương hiệu", ông Wang nói thêm.

Sự liên kết chặt chẽ các giá trị thương mại với các giá trị xã hội là chìa khóa thành công cho việc gia tăng giá trị của thương hiệu, ông Wang nhận định. Một ví dụ như thương hiệu đứng đầu năm nay Tencent với các dự án từ thiện do họ khởi xướng, cam kết chi 50 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) cho các mục tiêu như chăm sóc sức khỏe, phục hồi vùng nông thôn và giáo dục khoa học.

Theo báo cáo của Kanta, người dân Trung Quốc coi trong trách nhiệm xã hội và lý tưởng thương hiệu nhiều hơn người tiêu dùng toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần