Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các tỉnh miền Nam triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi

HUY CHƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại miền Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Hậu Giang vào ngày 11/4/2019, đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 29 xã của 16 huyện thuộc 08 tỉnh gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy 4.840 con, chiếm 0,08% tổng đàn lợn trong khu vực

Ngày 25/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi các tỉnh phía Nam. Hội nghị do ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và các ban ngành, doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn đến tham dự.

Tổng đàn lợn của khu vực Đông và Tây Nam Bộ hiện có 6,4 triệu con chiếm 23,0% so với tổng đàn lợn của cả nước. Nơi đây có 3.514 trang trại chăn nuôi với số lượng 4,2 triệu con.  Để ứng phó với bệnh dịch, hiện các tỉnh đã xây dựng được 459 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh (chiếm 13,1% số trang trại trong khu vực), với tổng đàn là 1,2 triệu con lợn (chiếm 18,5% tổng đàn lợn trong khu vực).

 Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh DTLCP cho các tỉnh phía Nam.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có ý nghĩa trong việc phát triển vùng chăn nuôi lợn của nước ta. Nếu xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng tại khu vực này thì hệ lụy ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường rất lớn. Chúng tôi dự báo bệnh Dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lan tỏa đến địa bàn chưa bị xâm nhiễm, thứ 2 địa phương có phát hiện bệnh dịch đã qua 30 ngày thì dịch sẽ có xu hướng bùng phát trở lại. Thứ 3, bệnh Dịch tả lợn châu Phi sẽ tấn công từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tấn công hộ chăn nuôi lớn nếu người dân và chính quyền không đồng lòng, quyết liệt dập dịch”.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa (bắt đầu vào mùa mưa tại các tỉnh phía Nam), các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, nên khó kiểm soát việc vận chuyển lợn. Mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang tất cả các địa phương chưa có dịch trong toàn khu vực; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô và số lượng lợn lớn.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh DTLCP lây lan trên diện rộng, Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng VI, VII và Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ phối hợp triển khai 8 giải pháp để ngăn ngừa, khống chế. Trong đó chú trọng đến, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh.

Mặt khác, tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, xung quanh khu vực chăn nuôi, đường giao thông, khu vực công cộng trên địa bàn cấp xã hàng ngày; đồng thời tuyên truyền các hộ chăn nuôi tăng cường tần suất tiêu độc khử trùng, làm sạch môi trường hạn chế lây lan mầm bệnh.

Các tỉnh cũng sẽ thành lập tổ công tác, phân công cán bộ đầu mối để cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày và gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y vùng quản lý thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y của địa phương. Các địa phương tiếp tục rà soát các tuyến đường có thể vận chuyển lợn vào địa bàn (lưu ý đường thủy) để thành lập các tổ kiểm tra lưu động hoặc các chốt kiểm tra, kiểm soát trong địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm.