Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật Đất đai sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…
“Quốc hội, Chính phủ hiện nay xác định đây là nhiệm vụ chung, có hoàn thành thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương hay không chứ không phân biệt nhiệm vụ cơ quan trình hay cơ quan thẩm định nữa. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp ủy Đảng và chính quyền. Để Bộ luật này trở thành một bộ luật người dân trông đợi, bộ luật sát với thực tiễn; bộ luật giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay của tất cả các cơ quan, đơn vị địa phương; Bộ luật đặt ra nhiều chính sách có tầm nhìn xa, sức sống dài, có tính khả thi, giải quyết được, giải phóng được nguồn lực đất đai...”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Hội nghị đã nghe báo cáo của 12 tỉnh, TP về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai, một số ý kiến đóng góp dự thảo luật của các tầng lớp Nhân dân, những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo các địa phương góp ý cụ thể vào từng chương mục, những kiến nghị sửa đổi đến Ban soạn thảo dự án luật; Những khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương.
Các đại biểu dự hội nghị đã phát biểu làm rõ 4 vấn đề lớn, cụ thể thứ nhất là khái niệm Nhà nước là đại diện cho “sở hữu toàn dân”. Vậy Nhà nước ở đây là ai, khái niệm “toàn dân” được hiểu thế nào cho đúng, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ. Vấn đề thứ hai là vấn đề quy hoạch; Vấn đề thứ 3 là giá đất, phương pháp xác định giá đất. Và vấn đề thứ tư là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Nhiều đại biểu nêu lên việc nên bỏ thời điểm xác định giá đất, bỏ giá đất cụ thể. Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, theo Dự thảo Luật vẫn còn tồn tại 2 loại giá: bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp tại khoản 1, Điều 155 của dự thảo; Đề nghị nghiên cứu bỏ giá đất cụ thể. Nguyên nhân, theo dự thảo Luật, nguyên tắc xác định giá là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; mặt khác giá đất được xây dựng hàng năm và áp dụng từ ngày 1, tháng 1 hàng năm. Cùng với đó, hiện nay đa số các thông tin về giá trên hợp đồng chuyển nhượng khác với giá chuyển nhượng thực tế (thường thấp hơn rất nhiều). Do đó thiếu cơ sở pháp lý để thẩm định giá đất cụ thể, tại một thời điểm cụ thể…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh, TP khu vực miền Trung trong việc hướng dẫn, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua. Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian đóng góp còn lại không nhiều nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông rộng rãi để người dân biết, nắm bắt, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Phó Thủ tướng giao cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp các nội dung đóng góp phù hợp với thực tiễn và được đông đảo nhân dân quan tâm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).