Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các tỉnh thành cách ly xã hội như thế nào sau chỉ đạo của Thủ tướng?

Trương Huyền (t/h)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện Chỉ thị số 16, các tỉnh thành trên cả nước đồng loạt ra thông báo về biện pháp cách ly xã hội cụ thể áp dụng tại địa phương mình.

Thái Bình thành lập nhiều chốt kiểm dịch để kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh.
Nguy cơ thấp vẫn cách ly xã hội
Dù thuộc nhóm có nguy cơ thấp về lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, nhưng cuối ngày 15/4, UBND tỉnh Thái Bình vẫn có Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND.
Nội dung công điện yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành đoàn thể thuộc tỉnh cùng các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16 ngày 31/3.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ (trừ các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu), dịch vụ vui chơi giải trí tiếp tục phải đóng cửa. Người dân hạn chế tối đa ra ngoài, không tụ tập đông người, thực hiện đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét khi giao tiếp theo quy định cho đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu phải duy trì và tăng cường hơn nữa hoạt động của các tổ công tác liên ngành, tổ tuần tra, tổ tự quản trên địa bàn tỉnh để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa phương theo đúng tinh thần các chỉ đạo trước đó. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Còn tại cuộc họp diễn ra chiều tối cùng ngày (15/4), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Thái Bình đã thống nhất: Tiếp tục duy trì hoạt động của tổ công tác liên ngành tại 7 chốt kiểm dịch nhằm kiểm soát chặt chẽ người từ vùng có dịch về, nhất là người ở các địa phương có dịch. Những người từ vùng có dịch về không có nhiệm vụ cần thiết không cho phép vào Thái Bình; trường hợp cho phép vào tỉnh phải được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương và thực hiện theo dõi y tế chặt chẽ, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Cùng nhóm nguy cơ thấp như Thái Bình, tối 15/4, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện khẩn số 09/CĐ-UBND nêu rõ: Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 30/4/2020; người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; thường xuyên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; thực hiện giãn cách trên 2m khi tiếp xúc giữa người với người tại nơi công cộng; thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng...
Tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển tất cả các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe taxi, xe điện 4 bánh trên địa bàn tỉnh cho đến khi có chỉ đạo mới. Học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4/2020.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa quy định cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước đi làm bình thường từ ngày 16/4/2020 nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại công sở.
Dỡ bỏ rào chắn ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại ngã 3 Hàng Kênh - Tô Hiệu, Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải Phòng.
Điều chỉnh linh hoạt tùy tình hình địa phương
Nằm ở nhóm nguy cơ (kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16), tuy nhiên xét trên tình hình thực tế, tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Cần Thơ đã ban hành công văn về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó nhấn mạnh: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lĩnh vực vui chơi giải trí tập trung đông người như: Chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, karaoke, massage, cơ sở spa, phòng tập thể dục hoặc câu lạc bộ sức khỏe, vũ trường, quán bar, quán internet; nhà hàng quán ăn phục tại chỗ; các lễ hội, phố đi bộ; các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, homstay...); Di tích, bảo tàng, công viên, thắng cảnh, địa điểm tham quan; taxi và giao thông công cộng nội tỉnh; tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng... tạm dừng hoạt động đến ngày 22/4.
Tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Đồng thời duy trì các chốt kiểm tra dịch bệnh tại các tuyến đường cửa ngõ vào địa phương trong khoảng thời gian trên.
Tại Hải Phòng, xác định vẫn thuộc nhóm nguy cơ, nên TP này quy định đối người ở các tỉnh thành không phải là 12 địa phương thuộc diện nguy cơ cao được vào TP và không phải cách ly y tế tập trung, nhưng phải có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi đi. Những người từ Hải Phòng đến các địa phương không phải 12 địa phương thuộc diện nguy cơ cao khi quay trở lại không phải thực hiện cách ly y tế tập trung nhưng phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đến.
Ngoài ra, từ 0h ngày 16/4 TP sẽ tạm dừng hoạt động của tổ kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại cấp thôn, tổ dân phố và các chốt kiểm soát phòng chống dịch cấp xã, phường, thị trấn, quận, huyện. Đối với hoạt động vận tải, cho phép các bến phà, bến đò kết nối các tỉnh Thái Bình và Hải Dương hoạt động trở lại trong khung giờ từ 6 đến 8h và từ 16 đến 18h hàng ngày. Cho phép 50% số đầu xe của từng hãng taxi hoạt động trong phạm vi địa bàn TP và số người trên xe chỉ dưới 50% số ghế.
Cùng nhóm nguy cơ như Hải Phòng, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 và 15 của Thủ tướng cho đến khi có thông báo mới.
Các phương tiện đi từ địa bàn huyện Đồng Văn, Hà Giang được phun khử khuẩn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tự xếp vào nhóm nguy cơ cao

Dù được xếp vào nhóm địa phương có nguy cơ thấp, tuy nhiên với việc công bố 1 ca bệnh mắc Covid-19 tại huyện Đồng Văn sáng 16/4, tỉnh Hà Giang ngay lập tức đã có công văn về việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16.

Công văn phát đi chiều 16/4 của tỉnh này nêu rõ: Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc việc chấp hành cách ly xã hội theo nội dung Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 43-CT/TU, ngày 31/3/2020 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trong thời gian tiếp theo thực hiện nghiêm túc các nội dung: Người dân ở nhà, không ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết; tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ kiểm tra, giám sát, hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tổ dân phố, thôn bản; tiếp tục phát huy vai trò của các chốt kiểm dịch y tế tạm thời; đặc biệt các chốt nội địa phải kiểm soát chặt chẽ người vào địa bàn, nhất là những người đến từ địa phương có dịch, khai thác thông tin nơi đi, đến và khai báo y tế bắt buộc, với những trường hợp nghi ngờ phải tiến hành ngay các biện pháp cách ly; thời gian thực hiện cho đến khi có thông báo mới của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngành Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt khoanh vùng cách ly những địa bàn có nguy cơ cao; chuẩn bị các phương án cho việc cách ly và tập trung điều trị ca bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch các cấp độ dịch đã được UBND tỉnh phê duyệt; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về cách ly xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt biên giới và nội địa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và theo Công văn số 1067/UBND-NCPC, ngày 10/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các trường hợp ra ngoài sau 22h mà không có việc cấp bách cần thiết.

Trong cuộc họp bàn về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, coi địa phương nằm trong nhóm các tỉnh có nguy cơ cao. Đồng thời yêu cầu thành lập các chốt kiểm tra y tế, hạn chế công dân đi lại vào địa bàn; tiếp tục duy trì nghiêm 49 chốt kiểm dịch và thành lập thêm 8 chốt tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.
Thủ tướng nêu rõ, 10 tỉnh, TP và 2 đô thị trung tâm nói trên sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. .
Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương là Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp. Nhóm này cần kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. 
Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng.