Các tổ chức quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi sau nới lỏng giãn cách

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội - bà Dorsati Madani nhận định, từ cuối quý III năm 2021, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ, sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

 Ảnh minh họa

Bà Madani nhận định, từ cuối quý III/2021 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ, giống như sự phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội từ tháng 4/2020 được dỡ bỏ, phần nào nhờ sự tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay. Theo chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới, mặc dù gặp nhiều rủi ro do tác động của đại dịch Covid-19, song nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh rất bền bỉ và năng động.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương  năm 2020 trong khi tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng kinh tế âm. Bà cũng bày tỏ hy vọng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi trong tương lai một phần nhờ vào thị trường xuất khẩu chính, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... đều đang trên đà phục hồi.

Trong báo cáo cập kinh tế tháng 9, World Bank nhận định trong thời gian tới, kết quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV.

Ưu tiên đặt ra là đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine để bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành. "Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân", chuyên gia WB khuyến nghị.

Bên cạnh đó là hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, cũng là cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Ngoài ra, vì chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nên cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa.

Theo WB, dù những rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi.

Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao và coi Việt Nam có sự lãnh đạo hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời nhấn mạnh việc nới lỏng, dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội dựa trên các yếu tố như dữ liệu thực tế về dịch Covid-19, khả năng nhận thức của người dân về dịch bệnh, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, cũng như khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho rằng, "không quốc gia nào làm tốt hơn Việt Nam" khi gặp khó khăn, trở ngại; điều này đã được thực tế kiểm chứng. Tin tưởng vào viễn cảnh tích cực của nền kinh tế Việt Nam, lãnh đạo HSBC Việt Nam dự báo, với kịch bản tích cực nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5% - 5,5% năm 2021, tăng lên 6,8% năm 2022. Tuy nhiên, trong một kịch bản khác, GDP chỉ tăng trưởng ở mức 3,5% - 4%, nếu chương trình tiêm vaccine được triển khai không nhanh, thời gian giãn cách kéo dài, có thể khiến nền kinh tế chịu thêm tác động nặng nề và gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng.

Chủ tịch Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) Stanley Chou nhận định, dịch Covid-19 không thể ngăn được sức bật của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Chou, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2021 tăng trưởng 5,6% bất chấp các đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Điều này cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần