Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Kinhtedothi- Giải ngân đầu tư công tăng tốc nhưng vẫn cách xa kế hoạch năm. Thời gian không còn nhiều, các địa phương đang tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm.
Giải ngân đầu tư công 6 tháng mới đạt gần 33%
Tiến độ giải ngân trong tháng 6/2025 đã tăng đáng kể, vượt cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 6/2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 268,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này cao hơn so với cùng kỳ năm 2024, tỷ lệ giải ngân tăng 4,3% (năm 2024 là 28,2%), và về số tuyệt đối, tăng khoảng 80 nghìn tỷ đồng.

Mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 đã không còn là một kỳ vọng – mà trở thành mệnh lệnh hành động. Ảnh minh hoạ
Giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến rõ rệt cho thấy tín hiệu tăng tốc sau giai đoạn chậm trễ đầu năm. Dù vậy vẫn chậm so với kế hoạch đề ra.
Xét theo nguồn vốn, vốn ngân sách địa phương đạt tỷ lệ giải ngân 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm trước là 27,4%. Trong khi đó, vốn ngân sách trung ương chỉ đạt 25,3%, thấp hơn nhiều so với mức 29,5% vào cùng kỳ 2024. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng vốn giải ngân ước tính đạt 9,258 tỷ đồng, tương ứng 42,2% kế hoạch được giao.
Theo Bộ Tài chính, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp do nhiều dự án đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục pháp lý, chưa thể tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng xây lắp nên chưa đủ điều kiện giải ngân vốn tạm ứng cho nhà thầu. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, gây khó khăn cho quá trình thi công, làm chậm tiến độ và giảm khối lượng thực hiện. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn chậm, khiến nhiều dự án không thể triển khai đúng kế hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn.
Bộ Tài chính cho rằng để đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương xử lý các tồn tại trong quá trình tổ chức lại đơn vị hành chính, tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia...
Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể theo từng tháng, quý, và kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án chậm giải ngân, điều chuyển sang các dự án cấp bách có khả năng thực hiện hiệu quả. Những đơn vị đã đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch cũng phải nâng cao quyết tâm chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu để đảm bảo không làm ảnh hưởng tới kết quả chung trong năm 2025.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xử lý kịp thời các vướng mắc về nguyên vật liệu của dự án, có phương án cụ thể để thi công trong mùa mưa... Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nước đến hết quý III/2025 đạt khoảng 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Không để gián đoạn, phát sinh thêm thủ tục
Từ ngày 1/7/2025, chính quyền cấp huyện chấm dứt hoạt động, chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, điều này đặt ra yêu cầu tổ chức bàn giao, tiếp nhận và giải ngân phần vốn còn lại một cách khoa học, tránh gián đoạn, ứ đọng, phát sinh thêm thủ tục. Các địa phương cần chủ động lập phương án giám sát đặc biệt đối với các dự án chuyển giao, đồng thời sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp xã đủ năng lực, kinh nghiệm; không để việc thay đổi tổ chức hành chính trở thành nguyên nhân trì hoãn tiến độ giải ngân.
Lãnh đạo một địa phương cho hay, việc bàn giao, chuyển tiếp vốn đầu tư công sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy địa phương 2 cấp được thực hiện theo nguyên tắc, nếu dự án nằm trọn vẹn ở xã, phường mới thì chuyển cho xã, phường mới làm chủ đầu tư; các dự án nằm trên địa bàn từ 2 xã, phường trở lên thì chuyển về cho các ban quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Đơn vị nào còn lúng túng khi tiếp nhận, triển khai dự án phải báo cáo tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
“Trong các cuộc làm việc phải báo cáo đánh giá tiến độ giải ngân và xây dựng kế hoạch giải ngân vốn trong tháng kế tiếp. Sau khi các điểm nghẽn được tháo gỡ, yêu cầu nhà thầu sẽ tập trung thi công “3 ca, 4 kíp”, đảm bảo tiến độ đề ra”- vị lãnh đạo chia sẻ.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công chưa tới 40% trong hơn 17.200 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng trọng điểm trong năm 2025, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP kiến nghị rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thực hiện công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở các dự án, công trình.
Tại Hà Nội, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho 10 dự án trọng điểm; trong đó, Dự án thành phần 2 của cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu được yêu cầu xử lý hồ sơ trong vòng một ngày, giảm ít nhất 60% thời gian so với quy định. Nhờ đó, đến ngày 20/6/2025, Hà Nội đã giải ngân gần 27.000 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch, tăng mạnh so với cùng kỳ.
TP cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án dự kiến hoàn thành trong năm như hệ thống tiêu nước phía tây, tuyến đường Tây Thăng Long, đường song hành vành đai 4-Vùng Thủ đô và các công trình giao thông trọng điểm như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, đường sắt đô thị số 2, đường nối sân bay Gia Bình với Hà Nội… TP yêu cầu các chủ đầu tư, sở, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, giao chỉ tiêu, tiến độ từng hạng mục và báo cáo định kỳ để kịp thời chỉ đạo, xử lý. TP chỉ đạo tập trung tháo gỡ dứt điểm, thực hiện hiệu quả chủ đề năm: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Để hiện thực hóa mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, hàng loạt giải pháp mạnh mẽ, chưa từng có đã được đồng loạt triển khai. Mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 đã không còn là một kỳ vọng – mà trở thành mệnh lệnh hành động, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh như một giải pháp căn cơ để tạo việc làm, thúc đẩy sinh kế, hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng không gian phát triển và kích hoạt các nguồn lực xã hội đang bị “tắc nghẽn”.
Các nội dung về đầu tư công luôn được đưa vào chương trình làm việc của các phiên họp Thường trực Chính phủ, phiên họp Chính phủ thường kỳ, cuộc họp của các bộ ngành, thể hiện tính xuyên suốt và nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn, thực hiên nghiêm các chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, nếu cần gì, vướng gì thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án cao tốc bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định của các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật DN... Trong đó, đối với đầu tư công tiếp tục được sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền.
Một điểm nhấn quan trọng là việc chuyển toàn bộ công tác quản lý đầu tư công sang mô hình quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin và hậu kiểm, thay vì tiền kiểm như trước đây. Các chế tài xử lý vi phạm cũng được bổ sung, tạo kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng vốn…

Tin tức kinh tế 11/7: giải ngân đầu tư công 6 tháng cao hơn cùng kỳ
Kinhtedothi – Giá vàng tiếp đà tăng mạnh; doanh nghiệp lạc quan về sản xuất kinh doanh trong quý III/2025; giải ngân đầu tư công 6 tháng cao hơn cùng kỳ…là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 11/7.
Lập 3 tổ công tác đặc biệt tháo gỡ điểm nghẽn, giải ngân vốn đầu tư công
Kinhtedothi - Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội sau sáp nhập, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định thành lập 3 tổ công tác đặc biệt, tập trung chỉ đạo xuyên suốt theo từng lĩnh vực, từng địa bàn.

Hà Nội tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2025
Kinhtedothi - Tiếp tục kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, chiều 9/7, Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua.