Theo ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, Đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) với việc di dời 30 trường ĐH, CĐ thì số sinh viên (SV) ra ngoại thành Hà Nội khoảng 200.000. Và khu vực nội thành Tp.HCM cũng giảm tải khoảng 350.000 SV sinh hoạt trong nội thành. Ông Tạo cũng cho biết, các khu quy hoạch của Hà Nội và vùng Thủ đô Hà Nội sẽ bao gồm: Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên và Chúc Sơn thuộc TP Hà Nội; khu ĐH phố Hiến (tỉnh Hưng Yên); tỉnh Vĩnh Phúc; Hải Dương; Hà Nam; Bắc Ninh; Hòa Bình và tỉnh Nam Định. Các khu quy hoạch của Tp.HCM và vùng Tp.HCM sẽ bao gồm: khu quy hoạch phía Tây Bắc thuộc huyện Hóc Môn và Củ Chi, Đông Bắc thuộc quận 9, phía Nam thuộc khu Nam Sài Gòn, huyện Bình Chánh và Nhà Bè; tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vùng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và tỉnh Tiền Giang. Việc xác định trường thuộc diện di dời dựa trên bộ tiêu chí di dời, không phân biệt trường công lập, tư thục, trường thuộc các tổ chức kinh doanh (tập đoàn nhà nước, tổng công ty)...., ông Tạo nói. Trường thuộc diện di dời thực hiện di chuyển toàn bộ trường, cơ sở đào tạo, sinh viên, cán bộ, giảng viên đến khu quy hoạch. Sau khi hoàn thành việc di dời không thực hiện thuê mướn địa điểm đặt lớp đào tạo trong khu vực nội thành của hai thành phố. Bộ GD-ĐT cũng cho hay, trong mỗi khu quy hoạch sẽ bao gồm một hoặc một số trường từ nội thành TP dời đến và các trường đang đóng trên địa bàn. Việc bố trí các trường di dời vào khu quy hoạch lựa chọn 1 trong 3 phương án hoặc lựa chọn đồng thời cả 3 phương án. Một là, bố trí xen kẽ các trường ĐH, CĐ đào tạo khác ngành/ nghề vào cùng khu quy hoạch. Hai là, bố trí trường ĐH, CĐ đào tạo cùng ngành nghề vào cùng một khu quy hoạch. Ba là, bố trí trường công lập và trường tư thục (trường có vố đầu tư nước ngoài hay trường liên doanh, liên kết với nước ngoài) không trên cùng một khu quy hoạch. Về lộ trình di dời, Bộ cũng đưa ra các phương án như sau: TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 di dời khoảng 5 trường; 2016-2020 di dời khoảng 7 trường và 2021-2025 di dời 18 trường còn lại. Tp.HCM giai đoạn 2011-2015 di dời 5 trường; 2016-2020 di dời khoảng 15 trường và 2021-2025 di dời khoảng 20 trường còn lại. Phương án 2: TP.Hà Nội giai đoạn 2011-2015 di dời khoảng 2 trường; 2016-2020 di dời khoảng 7 trường và 2021-2025 di dời khoảng 21 trường còn lại. Tp.HCM giai đoạn 2011-2015 di dời khoảng 2 trường; 2016-2020 di dời khoảng 10 trường và 2021-2025 di dời khoảng 28 trường còn lại. Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Tp.HCM Mai Hồng Quỳ nêu ý kiến, chuyện di dời ĐH đã bàn nhiều nhưng các trường muốn di dời thì phải có nơi để chuyển đến. Trong khi đó, các đơn vị có trách nhiệm xem xét cấp đất để trường dời đến như Hà Nội và Tp.HCM lại quá nhiều việc nên chuyện này cứ bàn rồi lại để đó. Còn các trường thuộc diện di dời hoang mang không biết dời đến đâu... Đáp lại ý kiến trường nêu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, chuyện di dời ĐH không bàn lùi. Do đó 2 vấn đề cốt lõi các trường phải làm là: xây dựng chiến lược di dời đến cơ sở mới. "Và không có chuyện giữ đất - nghĩa là không có cơ sở 1 và cơ sở 2" - Bộ trưởng đóng đinh. Vì Chính phủ không có tiền nên các trường phải hóa giá cơ sở cũ để tái đầu tư nơi chuyển đến. Việc di dời các trường sẽ phải chủ động, phía Chính phủ đang xem xét "đất vàng" - nơi trường chuyển đi sẽ được sử dụng mục đích gì để tạo môi trường xanh-sạch, không ô nhiễm, lời Bộ trưởng.