Hà Nội:

Các trường THPT chủ động xây dựng mô hình nhóm lớp với nhiều tổ hợp

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để sẵn sàng tinh thần triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới), các trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động đưa ra các tổ hợp để học sinh lựa chọn và đăng ký.

Chọn lớp theo nhu cầu và năng lực

Năm học 2022- 2023, khi thực hiện thủ tục nhập học đối với lớp 10, các thầy cô giáo có thêm một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là triển khai đăng ký Ban/tổ hợp các môn học đến tất cả học sinh. Theo đó, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, nhu cầu của học sinh và điều kiện nhân sự thực tế, các nhà trường cho học sinh đăng ký vào các lớp theo tổ hợp mà nhà trường sắp xếp.

Cùng việc nhập học, học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ đăng ký mô hình lớp theo tổ hợp
Cùng việc nhập học, học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ đăng ký mô hình lớp theo tổ hợp

Với lớp 10 năm học 2022- 2023, trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân tổ chức 6 nhóm lớp tự nhiên và 9 nhóm lớp xã hội. Tại mỗi nhóm lớp sẽ có cụ thể các môn học chính và môn học tăng cường. “Trước khi xếp lớp, nhà trường tập trung học sinh để tư vấn trực tiếp. Trong quá trình tuyển sinh, khi đăng ký nhóm lớp, nếu thấy việc lựa chọn chưa phù hợp, học sinh có thể chuyển nhóm…”- trường THPT Trần Hưng Đạo nêu rõ.

Liên quan đến việc chọn tổ hợp, Hiệu trưởng trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa Hoàng Chí Sỹ cho biết, sau khi học sinh nộp bản đăng ký tổ hợp các môn học, nhà trường sẽ tiến hành rà soát lại. Khi đã xếp lớp chính thức, trường tiếp nhận và giải quyết các trường hợp thay đổi nguyện vọng để tạo sự ổn định về tâm lý cho học sinh khi năm học mới bắt đầu.

Còn tại trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn), cách thức xếp lớp được cụ thể hóa trong Thông báo về mô hình lớp học. Cùng các môn học và nội dung bắt buộc (Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, giáo dục thể chất, Giáo dục An ninh quốc phòng, Lịch sử), nhà trường đưa ra tổ hợp 4 môn lựa chọn tương ứng với các lớp ban A (từ A1 đến A6) và ban D (từ D1 đến D9).

Mô hình lớp học sẽ triển khai tại trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn
Mô hình lớp học sẽ triển khai tại trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn

Để giúp phụ huynh và học sinh dễ hình dung, với mỗi nhóm lớp, nhà trường cũng gợi mở về định hướng xét tuyển đại học. Ví dụ, ngoài các môn bắt buộc, nếu học sinh đăng ký tổ hợp 4 môn lựa chọn (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học) thì sau có thể thi khối A1 (Toán- Lí- Anh), thi đánh giá năng lực bài khoa học tự nhiên, xét tuyển học bạ…

“Vốn chưa hiểu về cách thức tổ chức lớp học theo kiểu mới nhưng khi nhìn vảo bảng hướng dẫn này, gia đình dễ dàng cùng con chọn lớp, chọn tổ hợp để đăng ký”- chị Phan Hồng Liên, phụ huynh lớp 10 trường THPT Đa Phúc chia sẻ.

Thiếu vắng môn Nghệ thuật

Theo thông báo về mô hình học tập mà các trường THPT áp dụng trong năm học 2022- 2023 với lớp 10 thì hầu hết các trường không tôt chức đăng ký tổ hợp có môn Nghệ thuật- âm nhạc và Mỹ thuật- 2 môn lựa chọn nằm trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật. Đây là điều đã được tiên lượng trước khi triển khai Chương trình mới, nguyên nhân chính là do các trường không có nguồn giáo viên mỹ thuật, nghệ thuật và câu chuyện đi thuê giáo viên/làm hợp đồng với giáo viên nghệ thuật là điều không dễ dàng.

Học sinh phải nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký lớp học
Học sinh phải nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký lớp học

Nhằm đảm bảo sự ổn định khi tổ chức các lớp, trong tổ hợp môn học các trường công lập đưa ra để học sinh đăng ký, hầu như chưa có sự xuất hiện của môn nghệ thuật.

Em Nguyễn Minh Hạnh, trú tại quận Thanh Xuân vốn rất yêu hội họa và em quyết tâm theo đuổi ngành Kiến trúc. Khi tìm hiểu Chương trình mới với lớp 10, Minh Hạnh đã từng rất vui khi có môn Mỹ thuật vì việc này phục vụ tốt định hướng nghề nghiệp của em sau này. Tuy nhiên, khi đăng ký lớp 10 thì em không thấy môn Mỹ thuật. “Em rất hụt hẫng và phải đi học môn Mỹ thuật hoàn toàn ở bên ngoài. Bạn em muốn học hát, học đàn cũng không có lớp học tương ứng nào trong trường cả”- Minh Hạnh giãi bày

Phụ huynh Khổng Văn Mạnh, trú tại quận Cầu Giấy thì chia sẻ, con anh học đàn Piano từ nhỏ và mong ước trở thành học viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Dù trước đó từng nghe về tổ hợp có môn Nghệ thuật nhưng anh cũng chưa từng nuôi hy vọng được học nhạc trong trường THPT bởi anh biết, số học sinh cùng chí hướng, có khiếu âm nhạc như con anh là rất hiếm và khó có trường THPT nào tổ chức lớp học nhạc khi chỉ có vài học sinh đăng ký.

Phụ huynh cần tư vấn, hỗ trợ con trong việc lựa chọn môn và lớp học
Phụ huynh cần tư vấn, hỗ trợ con trong việc lựa chọn môn và lớp học

Khi lựa chọn 1 môn trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật), 6 mô hình lớp học sẽ triển khai trong năm học 2022- 2023 đối với lớp 10 tại trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đều chọn Tin học. Nhà trường cho hay, việc xếp lớp căn cứ vào đăng ký chọn mô hình lớp của học sinh. Nếu việc này không đảm bảo, trường sẽ tự quyết định xếp lớp để tạo môi trường học tập ổn định, phù hợp. 

Hiện việc triển khai chương trình Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10 còn rất mới mẻ nên bước đầu, việc xây dựng mô hình lớp của các nhà trường thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đúng hướng dẫn của cấp trên. Theo lưu ý của trường THPT Yên Hòa thì việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh sẽ diễn ra trong cả quá trình 3 năm THPT trên cơ sở sự yêu thích, năng lực của học sinh với môn học, ngành nghề dự kiến trong tương lai, dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội, quy chế thi tốt nghiệp THPT cùng xu hướng xét tuyển ĐH trong và ngoài nước. Do vậy, các nhà trường luôn mong nhận được hướng dẫn cặn kẽ hơn từ cấp trên để việc triển khai Chương trình mới hiệu quả, phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu đặt ra.