Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) và Trung tâm Giải quyết tranh chấp Quốc tế Seoul (SIRDC) tổ chức.
Các đại biểu tham gia tranh luận tại hội thảo. |
Bên cạnh đó, các đại biểu đã có buổi thảo luận các vấn đề về tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và Hàn Quốc; Nhà đầu tư nước ngoài và các tranh chấp quốc tế trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng: Quá trình thành lập các khiếu kiện.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch thường trực VIAC Vũ Ánh Dương chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới, là địa chỉ hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Môi trường đầu tư, kinh doanh đầy hứa hẹn cùng với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các DN, đặc biệt là các DN và nhà đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Năm 2017 đánh dấu 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc được thiết lập. Qua 25 năm, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã đạt thực sự trở nên gắn kết và bền chặt, đặc biệt được thể hiện ở những con số thống kê ấn tượng trong hợp tác kinh tế. Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam và là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với hơn 5.000 DN Hàn Quốc đang có hoạt động đầu tư, thương mại tại Việt Nam và nhiều trong số đó là các nhà thầu xây dựng, những người nhìn thấy tiềm năng phát triển trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Hàn quốc có nguồn vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam trong 5 năm qua. Nguồn vốn dầu tư của các công ty Hàn Quốc đạt 4.5 tỷ USD tương đương 35% tổng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu đứng thứ 3 của Hàn Quốc và là nhà nhập khẩu đứng thứ 8 của Hàn Quốc. Con số này thể hiện đầu tư của 2 quốc gia đã đạt nấc thang mới. Sự đầu tư này đóng góp sự phát triển vào mối quan hệ song phương của 2 quốc gia.
Đồng quan điểm với ông Vũ Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc Sung Bae Ji nhấn mạnh, từ năm 2009, Việt Nam và Hàn Quốc đã thành lập cơ chế giữa 2 quốc gia, sau đó đã ký kết bản ghi nhớ tại Hà Nội trong lĩnh vực tư pháp. Các dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam có tổng giá trị 15 tỷ USD và Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Cũng theo ông Sung Bae Ji, trong quá trình hợp tác đầu tư không thể tránh khỏi những tranh chấp, do đó, cơ chế trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế này. Không chỉ ở Việt Nam mà tại các thị trường khác ở Châu Á, những cơ chế giải quyết tranh chấp đã được ghi nhận.
Giáo sư Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý VIAC. |
Trả lời những thắc mắc của các đại biểu tại phiên thảo luận, giáo sư Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý VIAC lý giải, thực trạng công tác giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam ở lĩnh vực xây dựng đã được VIAC xử lý. Trong đó, số lượng các vụ kiện trong lĩnh vực xây dựng liên tục tăng, từ 10% năm 2014 lên đến 15% năm 2016.
Bên cạnh đó, đối với thắc mắc trong vấn đề chất lượng trọng tài viên trong lĩnh vực xây dựng cơ bản còn hạn chế, ông Hạnh cho biết, quy trình của VIAC rất thân thiện và dân chủ, luôn đảm bảo quyền tự do lựa chọn trọng tài viên của các bên. Trong một hội đồng trọng tài có 3 thành viên, cả 3 không đại diện cho nguyên đơn hay bị đơn mà là người sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp. Chuyên môn của trọng tài viên, uy tín của trọng tài viên đều do các bên tự do lựa chọn. Thông thường, các vấn đề kỹ thuật luôn ẩn sau đó là các vấn đề pháp lý. Ví dụ như ngay ở các vấn đề kỹ thuật thì đã có liên quan đến các quy định pháp lý.
Cũng trong phiên thảo luận, Trưởng Văn phòng đại diện Kim & Lee tại TP Hồ Chí Minh Byoung-Pil Kim đã đưa ra lời khuyên cho các DN khi tham gia các vụ tranh chấp thương mại về xây dựng. Thứ nhất không công bố, không yêu cầu. Thứ hai, cung cấp chứng cứ, những tranh chấp xây dựng thường dựa trên những thông số rất chuyên môn. Thứ ba, sử dụng chuyên gia, có nhiều chuyên gia tham gia vào hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại.