Sáng nay (18/3), hơn 1.000 công nhân của Công ty TNHH May mặc Việt Pacific (VPA – Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đã tổ chức đình công tập thể nhằm phản đối cung cách đối xử với người lao động của DN này. Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên nhân của cuộc đình công bắt nguồn từ thái độ không tôn trọng công nhân của hai quản lý người Hàn Quốc. Những người này được cho là thường xuyên có lời nói cũng như thái độ không đúng mực, gây áp lực và xúc phạm đến tinh thần của công nhân đang làm cho VPA.
Chị N.T.N, một công nhân của VPA cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, chị cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác đang làm việc trong tình trạng tinh thần phải chịu sức ép rất nặng nề đến từ sự quản lý hà khắc của cấp trên, cụ thể là hai quản lý người Hàn Quốc. Cứ hở ra một cái là bị quát mắng, mạt sát, sơ sểnh một chút là phải viết bản kiểm điểm, hạ mức lương, thậm chí còn bị dọa đuổi việc, chị N phản ánh. Không chỉ công nhân bị “chửi” bằng những lời khó nghe, ngay cả các tổ trưởng, quản đốc người Việt cũng bị đem ra trút giận mỗi khi những quản lý Hàn không vừa lòng. Có cùng bức xúc, chị L.T.T cho biết, hai quản lý người Hàn luôn tìm mọi cách để bắt lỗi công nhân, thường xuyên đổ lỗi mất sản phẩm cho người lao động nhằm lấy cớ để không tăng lương theo định kỳ hoặc trừ lương mỗi tháng. Không chỉ có quản đốc theo dõi liên tục trong nhà xưởng, ra đến cổng cũng bị bảo vệ kiểm tra rất kỹ, công nhân dù có muốn “ăn cắp” cũng không thể làm được, chị T nói. Sáng ra, mỗi khi bước vào công ty, chúng tôi không hề cảm thấy vui vẻ, hồ hởi để bắt đầu một ngày làm việc mới, chị T chán nản. Được biết, trước khi tổ chức đình công, tập thể công nhân đã 3 lần gửi đơn kiến nghị lên Ban giám đốc của VPA nhằm xem xét lại thái độ cũng như cách cư xử của hai quản lý người Hàn Quốc, tuy nhiên đều không nhận được sự phản hồi nào. Về diễn biến tiếp theo của vụ việc, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Đinh Văn Viện - Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Hà Nội cho biết, buổi đình công đã kết thúc ngay trong sáng 18/3, phần lớn các yêu cầu của công nhân đều được Ban giám đốc VPA chấp nhận. Cụ thể, trong hai quản lý Hàn Quốc, một người sẽ bị cách chức quản lý dưới nhà máy, người còn lại phải cam kết thay đổi thái độ trong quá trình tiếp xúc với công nhân. Đồng thời những hành động mang tính xúc phạm người lao động như quát mắng sẽ được liệt vào hành vi bị cấm tại VPA. Được biết, công nhân của VPA vẫn sẽ được hưởng nguyên lương trong ngày đình công và bắt đầu đi làm trở lại từ ngày mai (19/3). Lãnh đạo Công đoàn ngành dệt may Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sự chuyển biến trong thái độ đối xử với người lao động của VPA, đồng thời khẳng định sẽ vào cuộc nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động nếu có bất kỳ phản ánh tiêu cực nào từ công nhân nhà máy này.
VPA vắng lặng khi công nhân đình công (Ảnh: Hà Thanh) |