Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách làm hay của Hapro

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ cuối năm 2009 đến nay, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tổ chức hàng ngàn chuyến đưa hàng về nông thôn.

Thông qua hoạt động này, Hapro không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của DN Nhà nước mà còn cho thấy tiềm năng lớn của thị trường nông thôn.

Tích cực đưa hàng về nông thôn

Để có thể tạo niềm tin với người tiêu dùng các huyện ngoại thành, phần lớn lượng hàng hóa mà Hapro đưa về phục vụ thị trường nông thôn là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm công nghệ, đồ dùng gia đình, thời trang... Nhưng điều quan trọng hơn cả là hầu hết các mặt hàng đều do các DN trong nước sản xuất nên giá bán thấp hơn thị trường từ 5 - 10% so với giá thị trường, qua đó giúp kích cầu tiêu dùng khu vực nông thôn. Ghi nhận từ các chuyến đưa hàng về nông thôn cho thấy, mặc dù mỗi chuyến thời gian tổ chức ngắn, diện tích bán hàng chỉ 150 - 300m2 nhưng doanh thu tương ứng với một siêu thị có diện tích tầm 500 - 600m2 tại trung tâm Hà Nội.
Điểm bán hàng bình ổn giá của Hapro tại huyện Đông Anh. Ảnh: Hoài Nam
Điểm bán hàng bình ổn giá của Hapro tại huyện Đông Anh. Ảnh: Hoài Nam
Từ những kết quả trên, trong những năm qua, Hapro đã đẩy mạnh tổ chức các chuyến đưa hàng về nông thôn. Nếu như từ năm 2009, mỗi năm Hapro chỉ tổ chức vài chục chuyến đưa hàng Việt về nông thôn thì đến nay sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hapro  đã tổ chức 1.268 chuyến bán hàng tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất và bán hàng chính sách tại các huyện miền núi.

Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Hapro cho biết: Việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tiêu thụ đã tạo điều kiện để DN thay đổi định hướng kinh doanh của mình. Từ những thành công của DN cho thấy, nông thôn là thị trường khá hấp dẫn, sức mua lớn. Quan trọng hơn cả hoạt động đưa hàng về nông thôn tiêu thụ còn tạo cơ hội cho thương hiệu Hapro chiếm được tình cảm và sự tin cậy của Nhân dân Thủ đô.

Đẩy mạnh xây dựng hệ thống bán lẻ

Bên cạnh việc tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, Hapro đã tăng cường xây dựng, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Hapro cho biết: Ngay khi mới thành lập (2004) một trong những mục tiêu được đơn vị xác định là trở thành DN bán lẻ chủ lực của Hà Nội. Điều này đòi hỏi đơn vị phải đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại. Các cửa hàng bách hóa nhỏ, lẻ được cải tạo, bố trí hàng hóa là các sản phẩm phục vụ bữa ăn, sinh hoạt hàng ngày của người dân, bảo đảm chất lượng, có thương hiệu, phù hợp túi tiền của đại đa số người dân. Quá trình tạo dựng thương hiệu Hapromart cũng là cơ hội cho các đơn vị thành viên của Hapro và DN Việt Nam tiêu thụ sản phẩm.

Từ thành công của mô hình Hapromart trong 10 năm xây dựng và trưởng thành, Hapro đã đẩy mạnh đầu tư, kết hợp với đối tác ở nhiều địa phương trong cả nước. Đến nay, hệ thống bán buôn, bán lẻ của Hapro đã có 2 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre; 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart; 44 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood; 3 trung tâm kinh doanh chợ/chợ đầu mối và trên 100 cửa hàng chuyên kinh doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc… tại Thủ đô và một số tỉnh, thành phía Bắc. Ngoài ra, Hapro cũng đã tập trung vào việc xây dựng mô hình Tổng đại lý, Trung tâm phân phối. Hiện, Hapro đã phát triển được 5 tổng đại lý, 8 trung tâm phân phối hàng hóa tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La, Đà Nẵng.

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Hapro tổ chức cơ cấu lại hệ thống bán lẻ ở các địa điểm có ưu thế; phát triển thị trường nông thôn… Qua đó khẳng định vị thế là DN hàng đầu của ngành thương mại Thủ đô trước yêu cầu hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới.